Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Khái quát chungTổng quanLịch sửDân cưTôn giáo và tín ngưỡngVăn hóaPhong tục tập quánNgôn ngữ văn họcLễ hội & trò chơi dân gianNghệ thuật biểu diễnTrang phụcKiến trúc, mỹ thuậtMón ăn, hoa, tráiChợĐơn vị hành chính
(TITC) - Hát Xoan (còn gọi là hát cửa đình, hát lãi lèn, hát đúm, hát thờ…) là loại hình dân ca nghi lễ gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và đời sống sinh hoạt của cư dân trồng lúa nước vùng trung du, tập trung chủ yếu ở Phú Thọ.

Gốc của hát Xoan bao gồm 4 phường Xoan cổ là Phù Đức, Kim Đới, Thét (xã Kim Đức) và An Thái (xã Phượng Lâu), TP. Việt Trì. Hát Xoan được tổ chức vào mùa Xuân với 3 hình thức: hát thờ cúng các vua Hùng và Thành hoàng làng; hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe; và hát lễ hội là hình thức để nam nữ giao duyên.

Hát Xoan là loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhiều yếu tố: thơ, nhạc, hát, múa, trong đó, hát và múa luôn đi cùng và hỗ trợ nhau. Hát Xoan còn có sự gắn bó mật thiết giữa thơ ca và âm nhạc, nhịp điệu thơ và nhịp điệu nhạc, ý thơ và ý nhạc đều có sự thống nhất.

Hát Xoan có nhiều kiểu hát: hát nói, hát ngâm ngợi và hát xướng; có đồng ca nữ, đồng ca nam, tốp ca, đối ca, hát đa thanh, hát đuổi, hát đan xen, hát có lĩnh xướng và hát đối đáp. Về sắc thái âm nhạc, nhạc Xoan vừa có những giọng nghiêm trang, thong thả vừa có những điệu dồn đuổi khỏe mạnh, lại có những giọng mềm mại, trữ tình.

Hát Xoan được tổ chức theo phường Xoan (hoặc họ Xoan), bao gồm từ 15-18 người, trong đó 2-6 nam (gọi là kép), 6-12 nữ (gọi là đào). Đứng đầu phường Xoan là một người đàn ông đứng tuổi, thuộc nhiều bài hát Xoan, biết chữ Nôm gọi là ông trùm. Lệ giữ cửa đình quy định mỗi phường Xoan chỉ được giữ hát ở một số cửa đình nhất định nhằm tránh sự tranh chấp giữa các phường, từ đó dẫn đến tục kết nước nghĩa giữa phường Xoan với làng sở tại.

Một cuộc hát Xoan thường có 3 chặng là: chặng nghi thức, chặng hát các quả cách và chặng hát hội. Đạo cụ của phường Xoan có nậm rượu và quạt giấy cùng một quyển sách chép đầy đủ 14 quả cách bằng chữ Nôm. Nhạc cụ chỉ gồm một trống nhỏ, một trống lớn và một vài cặp phách.

Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali (Indonesia), hát Xoan đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Phạm Phương