Ninh Bình phấn đấu trở thành trọng điểm du lịch của Việt Nam
Cập nhật: 09/09/2013
Nghị quyết số 15/NQ-TƯ của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã khẳng định mục tiêu: “Huy động các nguồn lực, tập trung khai thác hợp lý tài nguyên tự nhiên, tài nguyên nhân văn, xây dựng Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước”.
Phát huy nội lực

Ninh Bình là tỉnh sớm xây dựng quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch trong cả nước. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình được xây dựng năm 1995, và được điều chỉnh bổ sung năm 2007. Trên cơ sở đó, tỉnh tiến hành quy hoạch chi tiết các khu du lịch, tích cực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch. Theo quy hoạch, Ninh Bình có 7 không gian du lịch, các tour, tuyến được bố trí khá hợp lý, phát huy được các loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh. Du lịch sinh thái tập trung vào các khu hang động xuyên thủy Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, vườn quốc gia Cúc Phương; du lịch văn hóa - tâm linh tập trung vào khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, khu tâm linh chùa Bái Đính, quần thể nhà thờ đá Phát Diệm… Ngoài ra, Ninh Bình cũng chú trọng thu hút khách vào các loại hình du lịch chơi golf, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng…



Hiện nay, Ninh Bình đang tập trung xây dựng và phát triển các khu du lịch như: khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch sinh thái Vân Long, khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình... Đặc biệt, khu quần thể danh thắng Tràng An đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đây sẽ là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch bền vững của tỉnh. Ngày 21/9/2012, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt quy hoạch xây dựng công viên động vật hoang dã quốc gia tại 2 xã Phú Long và Kỳ Phú thuộc huyện Nho Quan, mở ra cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Ninh Bình cũng quan tâm hình thành mạng lưới dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng; phát triển các loại hình du lịch cộng đồng (homestay), du lịch sinh thái. Đặc biệt ưu tiên đầu tư các cơ sở lưu trú, khách sạn du lịch cao cấp, khu dịch vụ vui chơi giải trí hiện đại nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Hiện nay, toàn tỉnh có 235 cơ sở lưu trú với 3.628 phòng nghỉ, trong đó có 31 khách sạn được xếp hạng từ 1-2 sao, 1 khách sạn 4 sao, 1 khách sạn 3 sao và 5 khách sạn, khu nghỉ dưỡng đầu tư đạt tiêu chuẩn 4-5 sao.

Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về du lịch có nhiều chuyển biến, Ninh Bình đã xây dựng được cơ chế quản lý và tổ chức bộ máy cho các khu du lịch, thành lập Hiệp hội du lịch; phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng Quy chế quản lý, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch, trong đó có những quy định về bảo vệ tài nguyên rừng, hệ thống núi đá vôi và các loài động vật quý hiếm. Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh du lịch tại các khu điểm du lịch. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao kiến thức du lịch, ngoại ngữ, môi trường cho cán bộ, nhân viên và cộng đồng dân cư đang trực tiếp tham gia các hoạt động du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch, phối hợp với các doanh nghiệp tập trung vào các thị trường du lịch trọng điểm trong nước như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thị trường du lịch quốc tế như Pháp và Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc và Newzeland, Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Việc phát triển nguồn nhân lực du lịch luôn được quan tâm, từ năm 2009 đến 2011 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với trường Đại học Hoa Lư tuyển dụng, đào tạo 900 sinh viên có trình độ trung cấp du lịch để bổ sung nguồn nhân lực cho ngành. Đến năm 2015, mục tiêu của tỉnh sẽ đào tạo từ 8.000 - 10.000 lao động trực tiếp và 20.000 lao động gián tiếp hoạt động dịch vụ, du lịch.

Đẩy mạnh liên kết, hợp tác

Ninh Bình đang hướng tới mục tiêu đến năm 2015 sẽ đón được 6 triệu lượt khách, trong đó có 1 triệu lượt khách quốc tế; thu hút 1 triệu lượt khách lưu trú tại Ninh Bình, trong đó có 350 nghìn lượt khách quốc tế. Từ năm 2015 trở đi, tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân là 10%/năm. Doanh thu du lịch đến năm 2015 đạt 1.500 tỷ đồng, các năm tiếp theo tăng trưởng bình quân 15%/năm. Thu nhập từ du lịch từ năm 2020 trở đi chiếm trên 10% GDP toàn tỉnh.

Để đạt mục tiêu trên, bên cạnh việc phát huy nội lực, Ninh Bình sẽ tranh thủ thời cơ hội nhập quốc tế, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành, đặc biệt với các tỉnh đồng bằng sông Hồng trong công tác phát triển du lịch, qua đó tạo sự liên kết, bổ sung cho nhau, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đầu năm 2012, Ninh Bình đã ký Biên bản thỏa thuận Hợp tác phát triển du lịch với 10 tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn. Thời gian qua, cùng với các địa phương, Ninh Bình đã tích cực triển khai liên kết, hợp tác trong công tác quản lý Nhà nước, xúc tiến quảng bá, đầu tư xây dựng sản phẩm mới, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Hướng tới Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, Ninh Bình đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch khu vực đồng bằng sông Hồng, với điểm nhấn là việc đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững, dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 9/2013, tổ chức lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Thánh Quý Minh Đại Vương (lễ hội đền Trần)... và phối hợp tham gia nhiều hoạt động khác của Năm Du lịch quốc gia 2013.

Việc hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch, vì vậy Ninh Bình chú trọng phối hợp tổ chức, tham gia nhiều hoạt động quảng bá xúc tiến chung. Thời gian qua, Ninh Bình đã tập trung quảng bá hướng vào hai trung tâm du lịch là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tham gia hội chợ du lịch quốc tế (ITE) tại thành phố Hồ Chí Minh, hội chợ du lịch Thái Lan (TTM Plus) 2012 tổ chức tại Thái Lan, chương trình phát động thị trường và hội chợ du lịch quốc tế JATA tại Nhật Bản; tổ chức đón các đoàn famtrip về Ninh Bình nghiên cứu, khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch và tổ chức tọa đàm “Liên kết phát triển tuyến du lịch Chùa Hương - Tam Chúc - quần thể danh thắng Tràng An”; Tổ chức hội thảo xúc tiến du lịch với chủ đề “3 quốc gia - 1 điểm đến”; phối hợp xây dựng bộ phim tài liệu “Lễ hội Trường Yên, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long” phát sóng trên kênh VTV4, VTV9; liên kết cung cấp thông tin Du lịch Ninh Bình trên website du lịch của Tổng cục Du lịch và nhiều tỉnh, thành trong cả nước.


                                                 Lễ hội Trường Yên


Tháng 11 năm 2012, tỉnh Ninh Bình đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư với chủ đề “Ninh Bình – Hội nhập và phát triển bền vững” nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, mời gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia đầu tư tại Ninh Bình. Đây là sự kiện quan trọng để quảng bá hình ảnh, con người Ninh Bình, thu hút, kêu gọi đầu tư vào nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Trong số 20 dự án Ninh Bình kêu gọi đầu tư giai đoạn 2012-2015 có 3 dự án kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch gồm: dự án công viên động vật hoang dã quốc gia (huyện Nho Quan); dự án xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao (thành phố Ninh Bình); dự án khu an dưỡng du lịch sinh thái kết hợp với sản xuất nước khoáng xuất khẩu Kênh Gà (huyện Gia Viễn).

Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng du lịch cả nước, Du lịch Ninh Bình luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp có hiệu quả của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế. Vị thế Du lịch Ninh Bình bước đầu đã được đánh giá đúng mức trong sự phát triển chung của kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Phát huy kết quả đã đạt được, Du lịch Ninh Bình vững tin bước sang năm mới 2013, từng bước xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, các nhà đầu tư trong và ngoài nước và trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của Việt Nam.
VTV