Khuyến mãi nhiều tour du lịch dịp Tết hút khách đầu năm
Cập nhật: 10/01/2014
Các công ty du lịch nỗ lực tung ra các chương trình khuyến mãi từ cả hai tháng trước Tết, nhằm cố gắng hút khách đăng ký mua tour vốn có xu hướng giảm do tình hình khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu.   

Theo Tổng Cục Thống kê, năm 2013, du lịch Việt Nam đón 7,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 9,9%. Doanh thu từ du lịch đạt 7,5 tỉ USD. Dự kiến, năm 2014, ngành du lịch Việt Nam sẽ đón hơn 8 triệu khách quốc tế, tăng trưởng khoảng 8% so với năm 2013. 

Những tín hiệu vui đầu năm 

Ngày 5/12/2013, cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã đón vị khách lượt thứ 12 triệu trong năm 2013. Đây được xem là kỷ lục về số khách đón tiếp trong năm của sân bay quốc tế lớn nhất ở phía bắc. 

Ngày 24/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Hiệp hội du lịch TP.HCM cũng tổ chức lễ đón vị khách nước ngoài thứ 4 triệu đến Tp.HCM tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. 

Năm 2014, ngành du lịch Tp.HCM dự kiến đón 4,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7% so với năm 2013, tổng doanh thu du lịch đạt 94.000 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013. 

Theo ông Lã Quốc Khánh, PGĐ Sở VHTTDL Tp.HCM thì tổng lượng khách quốc tế đến Tp.HCM trong năm 2013 chiếm 55% tổng lượng khách quốc tế đến VN, ước đạt hơn 4,1 triệu lượt khách, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2012. Tổng doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) ước đạt 81.970 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ, đạt 100% kế hoạch năm 2013, chiếm 43% tổng doanh thu du lịch VN(ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ). 

Theo bà Võ Hoàng Tuyết Linh, PGĐ Sở VHTTDL Bình Thuận, đã có hơn 6.000 du khách đến nghỉ ở Mũi Né và các khu du lịch lân cận trong ngày đầu năm mới 2014. Trong số đó, có trên 85% là khách quốc tế. Hiện tại, hầu hết các resort có thương hiệu 4 - 5 sao ở Mũi Né có công suất phòng đạt trên 90%. 

Những con số thống kê trên là rất đáng mừng, nhưng để nâng tầm, theo kịp với yêu cầu, năm 2014 ngành du lịch còn nhiều việc phải làm. 

Tour Tết cả nội địa và nước ngoài kém sôi động 

Tung ra các chương trình khuyến mãi từ cả hai tháng trước Tết, nhưng lượng khách đăng ký mua tour ở hầu hết các công ty du lịch, lữ hành lớn, nhỏ vẫn giảm mạnh so với cùng thời điểm năm ngoái. Nhiều công ty như Fiditour, Du lịch Việt... đã giảm khoảng 5 - 10%. 

Ông Trần Văn Long, giám đốc công ty Du lịch Việt cho biết, Tết năm nay tuy nghỉ tới 9 ngày, dù tour nội địa có giá hợp lý hơn mọi năm nhưng công ty cũng mới bán được khoảng hơn 60% tour. 

Theo bà Đặng Trần Minh Uyên, giám đốc công ty du lịch Win Way thì thị trường đang có tình trạng “nhả” phòng, “nhả” vé máy bay do các công ty giữ chỗ. Theo bà Uyên, tour Tết không mấy sôi động vì kinh tế khó khăn, thưởng Tết èo uột. 

Thông tin của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, công ty du lịch Bến Thành thì dù đã cố lồng ghép các sự kiện văn hóa, lễ hội vào các chùm tour nội, nhưng lượng khách đi nước ngoài vẫn đông hơn vì chất lượng dịch vụ của tour nội địa chẳng có mấy hấp dẫn. Tuy nhiên, với một số tuor “truyền thống” vẫn hút khách như Thái Lan, Campuchia… năm nay suy giảm vì nhiều lý do, một phần do tình hình an ninh bất ổn. 

Phải thay đổi từ tư duy, nhận thức đến thực tế 

Cách tính gộp số khách quốc tế đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng đạt 4,64 triệu lượt (1,26 triệu lượt công việc; 1,25 triệu lượt thăm thân nhân) mà Tổng cục Thống kê đưa ra, theo nhiều chuyên gia cần phải thay đổi vì chưa có quốc gia nào tính gộp chung số khách nhập cảnh vì công việc, thăm thân, chữa bệnh… là du khách. 

Hơn nữa, từ con số 7,5 triệu lượt khách quốc tế, Tổng cục Thống kê đưa tiếp ra con số xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 7,5 tỉ USD (khoảng 160.000 tỉ đồng), nghĩa là mỗi khách quốc tế vào Việt Nam chi tiêu trung bình 1.000 USD là quá khiên cưỡng và thiếu chính xác. Nhiều chuyên gia đã đề xuất áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch trong hoạt động thống kê. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Mạnh Cường cũng cho rằng, đề xuất trên là việc làm cấp bách vì biết chính xác con số mới có thể lập kế hoạch xúc tiến, quảng bá hiệu quả vào những thị trường tiềm năng, thay vì làm dàn trải như hiện nay. 

Theo luật du lịch và cam kết gia nhập WTO, những công ty du lịch có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam không được phép kinh doanh lữ hành nội địa và outbound và hầu hết các nước đều làm như vậy. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp, công ty liên doanh, các văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam vẫn công khai tổ chức đưa khách Việt Nam ra nước ngoài với số lượng đáng kể. Việc này cần giải quyết dứt điểm bằng các biện pháp kiên quyết. 

Nắm bắt xu hướng, đổi mới tour - tuyến 

Năm 2014, nhiều sự kiện lớn trên thế giới: Thế vận hội, World Cup, sự sụp đổ của bức tường Berlin... là những sự kiện lớn hút khách. Xây dựng các tour du lịch nước ngoài theo các sự kiện nổi bật thế giới 2014 là những nỗ lực mà các công ty đang nỗ lực triển khai. 

Bên cạnh đó, không ít các điểm đến mới cũng đựơc đưa vào khai thác. Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist vào mỗi chủ nhật hàng tuần sẽ đón khách từ Tp.HCM theo đường bay đến Quảng Bình. Sau đó sẽ đưa khách theo tuyến Vũng Chùa - Phong Nha - Quảng Trị - Huế - Đà Nẵng (4 ngày) nhằm kết hợp tham quan và viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ban hành quyết định số 80/2013/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, Kiên Giang. Cụ thể, từ ngày 10/3/2014, người nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài, nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại đảo Phú Quốc được miễn thị thực với thời gian tạm trú không quá 30 ngày. 

Ông Trần Quang Hưng, phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết, sẽ có chuyến bay thương mại từ Nga đến Phú Quốc do Công ty lữ hành quốc tế Pegas Touristik Nga cùng đối tác độc quyền của Pegas Touristik tại Việt Nam là công ty TNHH du lịch Ánh Dương tổ chức. Theo đó, mỗi tuần sẽ có 1 chuyến bay thương mại, đưa khoảng 300 khách du lịch từ Nga đến Phú Quốc.

Báo Đầu tư