Công việc bảo tồn di sản cần được tiến hành thường xuyên
Cập nhật: 25/02/2014
Bà Katherine Muller-Marine, trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh, công việc bảo tồn di sản cần được tiến hành ngay từ khi chưa được công nhận và phải được tiến hành liên tục, thường xuyên để đảm bảo tính phát triển bền vững.
 

Ngày 21/2, tại Hà Nội, văn phòng UNESCO Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo và tập huấn về các công ước và chương trình quốc tế của UNESCO. Sự kiện có sự tham gia của các chuyên gia về di sản đến từ văn phòng UNESCO Việt Nam và Cục Di sản (Bộ VHTTDL) cùng hơn 30 đại diện đến từ các cơ quan báo chí, truyền thông. 

Hội thảo nhằm cung cấp cho các phóng viên, nhà báo những thông tin cần thiết và hệ thống về các công ước và chương trình quốc tế của UNESCO, cập nhật những thông tin về định hướng văn hóa và phát triển của liên hiệp quốc. 

Phát biểu tại hội thảo, bà Katherine Muller-Marine nhận xét, Việt Nam có nhiều di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Thời gian qua chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của các di sản đã được UNESCO công nhận. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước những thách thức lớn trong việc làm thế nào để hài hòa giữa việc bảo tồn di sản với phát triển kinh tế cũng như phát triển du lịch. 

Bà Katherine cho rằng, việc bảo vệ, bảo tồn các di sản cần được tiến hành ngay từ khi chưa được công nhận và phải được tiến hành thường xuyên và liên tục để đảm bảo tính phát triển bền vững. Đã có nhiều công ước, hiệp ước, thỏa thuận đã được ký kết ở cấp độ quốc tế và giữa các quốc gia để làm cơ sở cho việc bảo vệ, bảo tồn các di sản này. 

“Tuy nhiên, thực tế là có những trường hợp chúng ta hành động để bảo tồn và bảo vệ di sản nhưng không ngờ lại làm tổn hại đến di sản. Do vậy, để có thể làm tốt công tác bảo tồn và bảo vệ di sản thì trước hết chúng ta phải có kiến thức, sự hiểu biết để hợp tác với các chuyên gia nhằm tôn tạo, trùng tu hay bảo vệ di sản một cách tốt nhất. Những nhà báo là chính những người góp phần bảo vệ cho các di sản Việt Nam thông qua việc tuyên truyền tới công chúng. Buổi hội thảo này nhằm giới thiệu những quy tắc, quy định trong khuôn khổ các công ước và chương trình quốc tế của UNESCO để các nhà báo truyền tải thông điệp đến công chúng một cách chính xác và dễ hiểu, nâng cao nhận thức của người dân để cùng chung tay bảo vệ di sản. Từ đó, phát triển du lịch, phát huy giá trị di tích, nhưng trên hết là nuôi dưỡng tình yêu và niềm tự hào di sản của người dân Việt Nam”- bà Katherine nhận định. 

Góp mặt tại hội thảo, ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TTTT) cũng cho rằng, báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải những công ước của UNESCO về di sản, ý nghĩa của việc bảo vệ di sản đến công chúng bởi công chúng mới là người giữ gìn di sản. Tuy nhiên, dù đã có luật di sản nhưng nhiều nhà báo chưa hiểu kỹ về luật nên dẫn đến việc tuyên truyền chưa chính xác, gây hiểu lầm cho dư luận. Do vậy, buổi hội thảo này nhằm cung cấp và hệ thống hóa các vấn đề căn bản có liên quan đến các công ước quốc tế của UNESCO như công ước về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, công ước về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể... Qua đó, tăng cường sự hiểu biết của các nhà báo về các vấn đề liên quan đến di sản và các công ước quốc tế của UNESCO, giúp nâng cao chất lượng thông tin đến công chúng. 

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã trao đổi thông tin về định hướng trọng tâm các vấn đề văn hóa và phát triển của liên hợp quốc; công ước 1972 về di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; chương trình ký ức thế giới; công ước 2001 về bảo vệ di sản văn hóa dưới nước; công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.

Tổ quốc