Hội An - tạo ưu thế từ du lịch Homestay
Cập nhật: 01/04/2014
Thành phố Hội An đang mở rộng không gian du lịch với việc đẩy mạnh khai thác du lịch cộng đồng (homestay).
 

Giữ chân khách bằng homestay

Du lịch cộng đồng - homestay tại phố cổ Hội An đang được nhiều du khách quan tâm lựa chọn vì sự mới mẻ, dân dã. Chỉ trong một khoảng thời gian du lịch ngắn, du khách vừa có cơ hội thưởng ngoạn vẻ đẹp của nhiều di sản văn hóa thế giới, vừa có thể hiểu thêm về nếp ăn ở, sinh hoạt, văn hóa của cư dân Hội An. Bên cạnh đó, du lịch Hội An ngày càng phát triển mạnh thì dẫn đến hệ lụy là số lượng phòng khách sạn không đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú cho du khách, đặc biệt vào các mùa lễ hội.

Do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách đồng thời khắc phục điểm yếu về thiếu cơ sở lưu trú, từ năm 2013, du lịch homestay đã được Hội An xây dựng thành điểm mạnh cho du lịch phố Hội. Dịch vụ này đã nhận được sự tham gia rất nhiệt tình của du khách đặc biệt là khách quốc tế.

Đi chợ, nấu ăn, đi làm nông (cuốc đất, trồng rau), đi bắt cá… và cùng thưởng thức các món ăn truyền thống là một phần trải nghiệm thú vị với homestay ở Hội An.

Theo ông Lê Hồ Phước Vĩnh - đại diện du lịch homestay Cẩm Châu, người kết nối 9 hộ dân ở đây làm du lịch homestay cho biết: “Từ khi chính quyền địa phương khuyến khích người dân làm du lịch homestay, nhiều hộ dân đã tham gia và đạt thành công ngoài mong đợi. Trước đây, du khách đến Hội An chỉ nghỉ ở những khách sạn, villa, giờ đây, các nhà dân, đặc biệt là nhà cổ, đủ tiêu chuẩn đón khách cũng được tham gia. Điều này tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập, hơn nữa cũng giúp cho người dân có cơ hội giới thiệu văn hóa của Hội An đến với du khách”.

Cũng theo ông Vĩnh, cách làm này đã thu hút du khách ở lại Hội An dài ngày hơn. “Nhiều du khách đã ở lại Cẩm Châu 1 tuần, rồi 1 tháng, thậm chí là 3 tháng. Đây là loại hình dân dã, phù hợp với các khách du lịch là sinh viên, tình nguyện viên, những người đến Quảng Nam, Đà Nẵng công tác”- ông Phước Vĩnh khẳng định.

Cùng với việc lưu trú dài ngày hơn, việc chi tiêu của du khách tại địa phương cũng tăng lên. Theo ông Vĩnh, nếu trung bình một ngày đêm, mỗi du khách chi tiêu tại Hội An là 60 USD thì với lượng ngày dài ra, số tiền thu được từ du lịch của địa phương cũng tăng lên đáng kể.

Ông Đinh Hài - giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam khẳng định: “Homestay là cách để mở rộng không gian, hướng về du lịch chất lượng, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao khả năng chi tiêu của du khách. Đây cũng là cách phân phối lợi ích trên diện rộng, tạo nhiều công ăn việc làm để người nghèo thực sự hưởng lợi từ du lịch mà vẫn giữ được giá trị văn hóa chân thực của vùng di sản Quảng Nam”.

Homestay phải có “hồn”

Theo ông Đinh Hài, năm 2013 được xác định là năm "Phát triển sản phẩm du lịch" ở địa phương. Cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng đã hợp tác để đưa vào khai thác một số sản phẩm mới, trong đó có nhấn mạnh việc du lịch homestay.

Đề án phát triển lưu trú trong dân trên địa bàn thành phố đến năm 2015 của thành phố Hội An xác định: “Ưu tiên phát triển mô hình lưu trú homestay ở các khu vực vùng ven đô thị, vùng nông thôn, kiệt, hẻm nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của cộng đồng, góp phần cải thiện sinh kế của người dân, tạo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương”. Cũng theo định hướng phát triển, homestay ở Hội An, ngoài chức năng lưu trú đảm bảo các tiêu chuẩn (theo quy định TCVN 7800:2009), trong những năm tới phải nâng tầm thành sản phẩm du lịch văn hóa.

Tuy nhiên, số cơ sở homestay ở Hội An vẫn còn khá ít, và cũng chỉ tập trung chủ yếu ở Cẩm Châu, Tân An (16 cơ sở), Cẩm Phô (12 cơ sở), Sơn Phong (11 cơ sở), còn ở các huyện khác như Cẩm Hà, Thanh Hà, Cẩm Kim, Cẩm Thanh vẫn còn ít, chỉ vài ba cơ sở, có nơi hoàn toàn vắng bóng. Bên cạnh đó, hiện nay mô hình homestay của người dân ở các địa phương khá đơn điệu, thiếu sinh động. Các hộ chưa chủ động, thiếu tổ chức thường xuyên các chương trình sinh hoạt, giao lưu với du khách, dịch vụ còn hạn chế, chủ yếu là phục vụ lưu trú.

Ông Đinh Hài chia sẻ: “Phải tạo “hồn” cho sản phẩm du lịch homestay. Năm 2013, chúng tôi mới khuyến khích người dân tham gia và mở các dịch vụ nên vẫn còn mang tính “tự phát”. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trong năm 2014, ngành du lịch địa phương sẽ phối hợp với UBND TP. Hội An điều chỉnh định hướng phát triển loại hình này ở Hội An để homestay có tính bền vững hơn”.

Theo ông Đinh Hài, “hồn” của sản phẩm du lịch homestay chính là sức hút văn hóa thẩm thấu qua cuộc sống thường nhật của người dân. Khách du lịch chọn loại hình homestay là bởi họ muốn được khám phá, trải nghiệm đời sống văn hóa truyền thống của cư dân bản địa qua hình thức cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt và làm việc... Ví dụ ở vùng rau Trà Quế, ngoài việc ăn, ngủ, thưởng thức văn hóa của người dân bản địa, du khách còn có thể tham gia trồng rau, cuốc đất, hiểu thêm giá trị của các nông sản, thêm giá trị của cuộc sống…”

Hiện nay, ở Cẩm Thanh du khách sống trong các hộ dân vừa được tham gia các hoạt động của làng nghề dừa nước, vừa khám phá rừng dừa nước rộng 4 ha, tham gia đánh bắt cá, đi chợ, nấu cơm…sinh hoạt cùng chủ nhà. Còn chủ nhà thì nhiệt tình hướng dẫn, coi du khách như một thành viên mới trong gia đình để giới thiệu văn hóa xứ Quảng cho du khách.

Tại khu Vườn Trầu, du khách có thể lựa chọn cho mình tour homestay đón tết với người Hội An. Du khách có thể học cách têm trầu, nghe kể chuyện cổ tích, đón khách cổ truyền cùng với gia chủ trong ngôi nhà ấm cúng. Cùng chủ nhà chuẩn bị các món ăn ngày tết, trang hoàng nhà cửa, nấu bánh tét và đón giao thừa cùng người dân địa phương.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, quan trọng là với sự nhiệt tình tham gia của các hộ dân và lợi ích thiết thực mà họ được hưởng, chắc chắn, homestay sẽ trở thành một loại hình du lịch đặc sắc, mở thêm cho du khách những lựa chọn khi đến với thành phố di sản Hội An.

Tổ quốc