Quảng Nam hấp dẫn du khách bằng tour lạ
Cập nhật: 12/03/2015
Để thu hút và giữ chân du khách lưu trú, ngành du lịch Quảng Nam bên cạnh nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ còn nỗ lực khai phá nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn để “làm mới” hình ảnh du lịch tỉnh, đồng thời tạo thêm nhiều lựa chọn cho du khách.

Trong những tháng đầu năm 2015, lượng khách du lịch đến tham quan và lưu trú tại các điểm đến nổi tiếng của Quảng Nam như Hội An, Mỹ Sơn tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, du khách đã lựa chọn khám phá và có những phản hồi tích cực với những tour du lịch mới, lạ được ngành du lịch Quảng Nam đầu tư xây dựng.

Hành trình du lịch sông nước trên dòng sông Thu Bồn xuôi về Cửa Đại đang được một số doanh nghiệp khai thác đã “ghi điểm” với du khách. Ngay những ngày đầu năm 2015, các tour du lịch khai thác hành trình trên sông Thu Bồn đã được nhiều du khách lựa chọn trải nghiệm như: “Du thuyền trên sông Thu”, “Ngắm hoàng hôn trên sông Thu Bồn” kết hợp khám phá đời sống của cư dân làng du lịch sinh thái Trà Nhiêu, ngư dân Cửa Đại; “Trải nghiệm vùng sông nước”, “Dạo thuyền cổ trên sông Thu Bồn”. Du lịch mạo hiểm kết hợp khám phá văn hóa ở miền núi Đông Giang, Tây Giang,…

Đây là một cách khai thác mới đối với những điểm tham quan ở các vùng ven. Các tour du lịch này vừa kết hợp giới thiệu các làng quê sinh thái, làng nghề truyền thống, đồng thời tạo cơ hội cho cộng đồng dân cư ở những vùng này cùng hưởng lợi từ du lịch.

Trên hành trình ấy, du khách sẽ ghé thăm, khám phá các làng nghề truyền thống xứ Quảng như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, làng Triêm Tây (Điện Bàn)… để cùng trải nghiệm những giá trị văn hóa của các vùng đất này. Đồng thời khám phá văn hóa ẩm thực với cư dân địa phương ngay trên sông nước hay tại các làng quê với những trải nghiệm chân thực nhất.

Một số doanh nghiệp đã khai thác tuyến du lịch đường sông từ Hội An đến Câu Lâu (Duy Xuyên) và đưa khách đến khu đền tháp Mỹ Sơn. Hoặc mở các điểm đến kết nối đường sông từ Hội An đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi, khai thác các sản phẩm du lịch biển đảo như ngắm san hô Sơn Trà (Đà Nẵng), khám phá Cù Lao Chàm (Hội An) - Lý Sơn (Quảng Ngãi),…

Việc kết nối với các tuyến du lịch ở các địa phương khác giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và du khách có thêm nhiều lựa chọn. Mới đây, hơn 150 doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, nhà hàng tại Hội An đã tổ chức chuyến khảo sát thăm dò điểm đến Sơn Trà nhằm xây dựng chương trình kết nối Hội An - Sơn Trà. Ngành du lịch Quảng Nam cũng đang khảo sát, kết nối để kết nối du lịch đảo Cù Lao Chàm - Lý Sơn, hướng đến khai thác thị trường khách nội địa.

Trước đây, cơ cấu khách đến Quảng Nam những năm qua thường theo tỷ lệ 50 - 50 chia đều cho khách nội địa và quốc tế, trong đó, khách nội địa chủ yếu tập trung vào các tháng hè. Một tín hiệu khả quan là trong những ngày lễ Tết Dương lịch vừa qua, lượng khách nội địa đến Quảng Nam và lựa chọn các tour du lịch mới tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, lữ hành thì nguyên nhân khách nội địa tăng thời gian gần đây là vì Quảng Nam có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, đặc biệt ngành du lịch Quảng Nam gần đây triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa, tập trung khai thác khách nội địa (nhất là khách đến từ TP.HCM và Hà Nội); xây dựng sản phẩm mới phát triển du lịch biển đảo ở Quảng Nam; chú trọng kết hợp giữa các giá trị về sinh thái, sinh quyển với các giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn để phát triển du lịch. Đồng thời liên kết mở thêm các tuyến tham quan làng nghề truyền thống, làng quê sinh thái giữa các địa phương với nhau nên đã tạo được hấp lực mới thu hút khách.

Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An, trong năm 2015, Hội An sẽ tiếp tục tập trung đầu tư cho những điểm đến ngoại vi có lợi thế du lịch như những làng nghề vùng ven Hội An, Cù Lao Chàm, làng rau An Mỹ… Đồng thời xúc tiến, kêu gọi đầu tư cho các sản phẩm du lịch dịch vụ sông nước như thuyền ăn uống, nhà hàng nổi trên sông,…

Ngoài Hội An, trong năm 2015, ngành du lịch Quảng Nam cũng sẽ tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng làm nổi bật đặc trưng văn hóa xứ Quảng như Mỹ Sơn, văn hóa các dân tộc Quảng Nam… Đồng thời, tăng cường các giải pháp làm mới các sản phẩm đã có, sự khác biệt của du lịch Quảng Nam.

Báo Văn hóa