Nghĩ về sự tái lập Sở Du lịch
Cập nhật: 19/03/2015
Lần lượt những thành phố du lịch lớn như TP. HCM, Đà Nẵng và gần đây là Hà Nội đã được Chính phủ cho phép tái lập Sở Du lịch. Đây rõ ràng là tín hiệu vui khi ngành du lịch đang chuẩn bị kỷ niệm 55 ngày thành lập Ngành, đồng thời du lịch đang trên đà phát triển mạnh mẽ và ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế đất nước.
 

TP. HCM, Hà Nội và Đà Nẵng đều là những trung tâm du lịch lớn của cả nước, mỗi năm đón hàng triệu du khách quốc tế đến tham quan và có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh bậc nhất cả nước. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng nhanh về chiều rộng và chiều sâu của hoạt động du lịch đã tạo áp lực lớn cho công tác quản lý nhà nước của ba địa phương này, đòi hỏi cần có những bước chuyển và thay đổi sao cho phù hợp với tình hình mới. Đó cũng là lý do ba địa phương này đã được Chính phủ lựa chọn thí điểm cho việc tách Sở Du lịch hoạt động chuyên biệt.

Đây không phải là lần đầu tiên diễn ra việc tách hay nhập một đơn vị quản lý Nhà nước, nhưng có lẽ quyết định trước hết tách Sở Du lịch của ba thành phố lớn Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng đã nhận được nhiều ý kiến đồng thuận nhất. Từ các nhà quản lý, nghiên cứu đến các doanh nghiệp đều ủng hộ và bày tỏ kỳ vọng vào sự thay đổi khi có Sở quản lý chuyên biệt về du lịch tại ba thành phố du lịch lớn của đất nước.

Thực tế cho thấy rằng, sự tăng trưởng nhanh về du lịch của ba thành phố lớn trong bối cảnh một Sở quản lý chung cả văn hóa, thể thao và du lịch đã dẫn đến không ít bất cập trong công tác quản lý. Bởi lẽ, sau khi sáp nhập vào Sở VHTTDL, số cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác quản lý nhà nước về du lịch tăng không đáng kể so với thời điểm còn mô hình Sở Du lịch. Tuy nhiên, họ phải đảm đương khối lượng công việc lớn gấp nhiều lần khi địa giới hành chính mở rộng, số lượng doanh nghiệp du lịch không ngừng gia tăng. Trong khi đó, đội ngũ thanh tra chuyên ngành du lịch cũng được sáp nhập vào thanh tra chung của Sở VHTTDL nên hiệu quả hoạt động không cao do phải tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác. Bởi thế, cần có một cơ quan thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về du lịch tương xứng để nâng cao hiệu lực quản lý đảm bảo sâu sát, kịp thời và chặt chẽ.

Ngoài ra, theo ông Vũ Chính Đông - Chánh Văn phòng Hiệp hội Du lịch Hà Nội, mô hình tổ chức Sở VHTTDL trong những năm vừa qua gây khó khăn không ít cho các Giám đốc Sở, vì khối lượng công việc quá lớn. Giám đốc Sở VHTTDL ở hầu hết các địa phương thường chỉ có chuyên môn ở một lĩnh vực nhất định (Văn hóa hoặc Thể thao hoặc Du lịch). Mặc dù các lĩnh vực đều có Phó Giám đốc Sở phụ trách, nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc quyền của Giám đốc Sở. Chánh Văn phòng Hiệp hội Du lịch Hà Nội khẳng định rằng, trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng đang trên đà phát triển, nếu không tách Sở Du lịch ra khỏi Sở VHTTDL Hà Nội thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu thực tế quản lý nhà nước của địa phương.

Trong bối cảnh đó, việc tái lập Sở chuyên trách sẽ giúp cho công tác quản lý du lịch được chặt chẽ, sát sao và phù hợp hơn với nguyện vọng của doanh nghiệp. Hiện mỗi Sở VHTTDL vẫn có bộ phận chuyên môn đủ sức phục vụ cho công tác quản lý du lịch, nên việc bộ phận này tách ra và thành lập sở mới sẽ vẫn có thể duy trì hoạt động thông suốt, đồng thời hoạt động quản lý sẽ đi vào chi tiết, cụ thể và sát sao hơn. Qua đó, các doanh nghiệp, Hiệp Hội sẽ có sự kết nối chặt chẽ hơn với cơ quan quản lý Nhà nước. Thực tế, theo ông Vũ Chính Đông, hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn có một cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của Hà Nội độc lập để có thể giải quyết, tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh và phù hợp thực tiễn nhất, mà không cần phải qua nhiều cấp lãnh đạo không cùng trong ngành.

Rõ ràng việc ba thành phố lớn được thành lập Sở Du lịch chuyên biệt sẽ có thể khắc phục những điểm yếu nội tại, đem lại cơ hội phát triển vượt trội hơn cho ngành du lịch địa phương. Tuy nhiên, để có thể phát huy thế mạnh vốn có và trở thành hình mẫu cho các địa phương khác trong phát triển du lịch thì có lẽ việc tách Sở Du lịch của ba địa phương này cần được rút kinh nghiệm từ những trường hợp tách, nhập cơ quan nhà nước trước đây, để tránh những bất cập không đáng có và sự lãng phí đáng tiếc. Giống như trường hợp của Hà Nội, một chuyên gia du lịch từng băn khoăn rằng, Trung tâm Thông tin và xúc tiến vốn trực thuộc Sở VHTTDL đã được sáp nhập vào Trung tâm Thông tin và xúc tiến VHTTDL trực thuộc UBND TP. Hà Nội. “Thiết nghĩ, khi tách Sở Du lịch mà không còn Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch trực thuộc Sở thì lại là một điều khập khiễng. Và chắc chắn hoạt động thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch sẽ giảm hiệu quả đi nhiều, nếu thiếu Trung tâm này” – vị này bày tỏ.

Hơn thế nữa, việc ba thành phố trọng điểm về du lịch được phép tách Sở Du lịch không có nghĩa là những địa phương khác cũng có thể ồ ạt xin tách để tìm kiếm cơ hội phát triển. Bởi lẽ, việc tách/ nhập một đơn vị quản lý nhà nước cần có cái nhìn tổng thể và có sự xem xét kỹ lưỡng để có thể đáp ứng đúng nhu cầu thực tế, tránh dàn trải và sự nở rộ theo phong trào.

Chắc hẳn bên cạnh những thuận lợi thì việc tách Sở Du lịch sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thách thức mới cho ngành du lịch ba thành phố. Tuy nhiên, để quyết định tách Sở Du lịch thực sự phát huy hiệu quả và tránh được những bất cập không đáng có thì điều quan trọng là các địa phương này cần có chiến lược đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của Sở Du lịch địa phương mình, đồng thời xây dựng lộ trình phát triển khoa học, cụ thể, để sự ra đời của các Sở Du lịch không phải là một sự lãng phí, mà thực sự trở thành "đôi cánh" cho ngành du lịch địa phương.

Tổ quốc