Khách quốc tế đến Việt Nam đang phục hồi và tăng trưởng về chất
Cập nhật: 21/10/2015
(TITC) - Trong 9 tháng năm 2015, ngành Du lịch đã đón được 5.689.512 lượt khách quốc tế, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2014; phục vụ 48,8 triệu lượt khách nội địa (trong đó khách lưu trú đạt 23,4 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt 270 nghìn tỷ đồng (tăng 2,8%).

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong ba tháng gần đây đã tăng trưởng trở lại

Tuy tính cả 9 tháng, lượng khách quốc tế đến vẫn giảm nhưng trong ba tháng 7, 8, 9 vừa qua đã tăng trưởng trở lại, tăng lần lượt 5,1%, 7,5% và 8,3% so với cùng kỳ năm 2014, kết thúc 13 tháng sụt giảm liên tục tính từ giữa năm trước.

Tăng trưởng khách trong 3 tháng vừa qua đã góp phần giảm tỷ lệ suy giảm khách đến trong 9 tháng đầu năm. Những nỗ lực quyết liệt của ngành đã kéo biên độ sụt giảm khách xuống gần một nửa. Sáu tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến giảm sút 11,3% so với cùng kỳ năm 2014, nhưng sau 9 tháng chỉ còn 5,9%.

Hai thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam là Trung Quốc và Nga cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại. Khách Trung Quốc sau 6 tháng giảm 29% thì sau 9 tháng còn giảm 26%; khách Nga sau 6 tháng giảm hơn 20% nhưng sau 9 tháng chỉ còn giảm 10%.

Đáng chú ý, có những dấu hiệu cho thấy sự tăng trưởng trong 3 tháng vừa qua có sự chuyển biến tích cực về chất lượng khách. Khách quốc tế đến bằng đường hàng không vốn là đối tượng khách có chi tiêu cao và lưu trú dài ngày, có tốc độ tăng trưởng tốt. Cụ thể, trong tháng 7 khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không, tăng 13,3%, tháng 8 tăng 17,4% và tháng 9 tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2014.

Trong 9 tháng 2015, một số thị trường có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày tăng trưởng tốt như Hàn Quốc tăng 31,4% so với cùng kỳ năm trước, Hồng Kông tăng 17,3%; Singapore tăng 16,9%; Tây Ban Nha tăng 8,7%; Đài Loan tăng 8,4%; Phần Lan tăng 8%; Mỹ tăng 7%; Italy tăng 5,7%... Trong khi đó lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm chủ yếu là khách đường bộ, đa phần có thời gian lưu trú ngắn và chi tiêu thấp.

* * *

Các thị trường vừa được miễn visa đã có sự tăng trưởng đáng khích lệ. Trong tháng 8/2015 thị trường khách Tây Ban Nha tăng 159,3% so với tháng 7/2015, Italia tăng 141,4%, Đức tăng 54,1%, Anh tăng 25,5% và Pháp tăng 25,8%. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy chính sách miễn visa đã phát huy tác dụng bước đầu.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng chính sách miễn visa khi được ban hành cần có thời gian để phát huy tác dụng thực sự đối với các thị trường nguồn, đặc biệt là đối với các thị trường xa tại Tây Âu thường có thói quen lập kế hoạch đi du lịch từ trước 6-12 tháng. Thực tế cho thấy, lượng khách của các thị trường được miễn visa vào Việt Nam tăng trong thời gian vừa qua chủ yếu là đối tượng khách đang sinh sống, làm việc hay du lịch ở các khu vực gần Việt Nam khi biết thông tin đã đi du lịch vào Việt Nam.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc miễn visa đối với các thị trường Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Belarus, Tổng cục Du lịch đã khẩn trương gặp gỡ đại sứ quán các quốc gia này tại Việt Nam để thông tin về chính sách miễn visa của Việt Nam. Đồng thời phối hợp với các đối tác, chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai chiến dịch kích cầu mạnh mẽ tới các thị trường này.

Liên quan tới những hạn chế về thời gian miễn thị thực chỉ trong vòng 15 ngày, ngành Du lịch đã kiến nghị với các Bộ, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho khách gia hạn thị thực tại Việt Nam; đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất trình Chính phủ kéo dài thời gian miễn thị thực và mở rộng miễn thị thực cho các quốc gia khác theo lộ trình.

Chín tháng đầu năm cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của khách du lịch nội địa với 48,8 triệu lượt (cả năm 2014 đạt 38,5 triệu lượt), trong đó gần 50% là khách lưu trú vốn là đối tượng chi tiêu nhiều, góp phần đưa tổng thu từ khách du lịch trong 9 tháng đạt 269.458 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2014.

* * *

Thời gian từ nay đến cuối năm 2015, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức và tham gia hàng loạt sự kiện xúc tiến du lịch ở nước ngoài nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế, trong đó đáng chú ý là tham dự Hội chợ ITB Asia ở Singapore; Hội chợ du lịch thế giới (WTM) tại Anh; Hội chợ du lịch Thành Đô tại Trung Quốc; tổ chức các chương trình phát động thị trường giới thiệu du lịch Việt Nam tại các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Belarus và đón các đoàn khảo sát thực tế của doanh nghiệp và báo chí từ các nước này đến Việt Nam; giới thiệu du lịch Việt Nam tại Singapore và Hồng Kông là hai trung tâm trung chuyển khách lớn nhất ở châu Á.

Cùng với những hoạt động sôi động của ngành, bước vào mùa cao điểm du lịch quốc tế trong thời gian cuối năm, hy vọng ngành Du lịch sẽ tiếp nối đà phục hồi tăng trưởng trong ba tháng vừa qua để tiếp tục đón nhiều khách quốc tế đến Việt Nam và duy trì hướng phát triển bền vững, tăng trưởng về chất.

Nhằm tăng cường thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 157/2015/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam theo hướng giảm thu. Cụ thể, các mức thu đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài được điều chỉnh như sau: Lệ phí thị thực có giá trị một lần giảm từ 45 USD xuống 25 USD; thị thực loại có giá trị đến 3 tháng giảm từ 95 USD còn 50 USD; loại có giá trị trên 3 tháng đến 6 tháng và loại có giá trị trên 6 tháng đến 1 năm giữ nguyên là 95 USD và 135 USD... Đối với việc cấp thị thực có thời hạn không quá 15 ngày cho người nước ngoài vào theo diện đơn phương miễn thị thực vừa xuất cảnh, vừa nhập cảnh trở lại trong thời gian chưa quá 30 ngày, Bộ Tài chính giảm mức thu lệ phí này từ 45 USD xuống còn 5 USD. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 23/11/2015 và thay thế Thông tư số 66/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính.

 

Bài: Thế Phi; Ảnh: Thanh Tâm