Chung tay vì du lịch Quảng Nam
Cập nhật: 01/03/2016
Với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho thành viên, thời gian qua, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đã thật sự trở thành cầu nối giữa doanh nghiệp với nhà nước để cùng hướng đến mục tiêu thúc đẩy du lịch Quảng Nam phát triển.

Cầu nối

Một trong những hoạt động nổi bật của Hiệp hội Du lịch Quảng Nam (gọi tắt là Hiệp hội) thời gian qua đã làm tốt vai trò đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng cho doanh nghiệp thành viên. Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội đã tích cực nắm bắt những khó khăn vướng mắc, kiến nghị đề xuất của các đơn vị thành viên, kịp thời phản ánh với các cấp lãnh đạo, cơ quan ban ngành liên quan. Trong đó, nhiều kiến nghị ưu đãi về cơ chế chính sách trong hoạt động du lịch như đề nghị miễn giảm thuế sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, việc kiểm soát vé tham quan tại Hội An, công tác báo cáo đăng ký tạm trú của khách du lịch hàng đêm với Công an tỉnh, tình hình xử lý rác thải, nước thải độc hại, hỗ trợ các khách sạn ven biển trước tình trạng xâm thực do nước biển dâng... được quan tâm giải quyết, tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm trong hoạt động kinh doanh.

Cùng với ngành du lịch và các địa phương, Hiệp hội cũng đã chủ động tổ chức tuyên truyền vận động các doanh nghiệp thành viên tích cực tham gia chương trình kích cầu du lịch nhằm thu hút du khách trong mùa thấp điểm. Hiệp hội vận động doanh nghiệp tham gia các hội chợ du lịch trong và ngoài nước, cũng như làm đầu mối tiếp nhận tờ rơi, tập gấp, các sản phẩm quảng bá của doanh nghiệp không có điều kiện tham dự để trưng bày, giới thiệu tại hội chợ. Ngoài ra, Hiệp hội tích cực tham gia những đoàn khảo sát tiềm năng du lịch tại các địa phương trong tỉnh; tham gia các hội thảo về nâng cao năng lực phát triển và quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng, phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững…

Theo ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, dù mới được củng cố, nhưng nhìn chung kết quả hoạt động bước đầu của Hiệp hội đạt được khá tích cực. Nhất là công tác đào tạo nhân lực, phối hợp tuyên truyền quảng bá xúc tiến du lịch, kết nối đưa sản phẩm du lịch của địa phương và các doanh nghiệp thành viên đến với bè bạn trong nước và quốc tế. “Có thể vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc trong hoạt động, nhưng dù sao Hiệp hội cũng đã thể hiện được vai trò của mình trong việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà nước, mang lại niềm tin cho doanh nghiệp” - ông Vân nói.

Vì mục tiêu phát triển du lịch

Tại hội nghị tổng kết hoạt động của Hiệp hội vừa diễn ra tại TP. Hội An, một số doanh nghiệp thành viên đã thẳng thắn nêu lên những vấn đề đáng quan tâm hiện nay trong phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thời gian qua. Trong đó, đáng lưu ý là chuyện ô nhiễm môi trường tại khu vực Chùa Cầu; tình trạng dây điện, điện thoại, cáp quang giăng mắc chằng chịt làm mất mỹ quan phố cổ; tình trạng cò mồi, chèo kéo, bu bám khách, xe đẩy, bán hàng rong, ô nhiễm vệ sinh môi trường, tiếng ồn từ hệ thống loa phát thanh và các nhà hàng gần khách sạn chưa giảm… Theo đại diện khách sạn Victoria Hội An, sự gia tăng số lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay… đã dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động đón khách. Bên cạnh đó, dù có nhiều shop bán hàng nhưng sản phẩm hàng hóa trùng lặp; quy mô chợ đêm vẫn còn nhỏ, hàng hóa đơn điệu; việc cải tiến bán vé tham quan phố cổ và Cù Lao Chàm cũng cần nghiên cứu tính toán lại cho phù hợp với khách tham quan và lưu trú…

Còn theo ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch - dịch vụ Hội An, các cơ quan nhà nước liên quan cần có chính sách ưu đãi để kêu gọi đầu tư mạnh vào lĩnh vực vui chơi, giải trí tại Hội An nhằm bổ sung thêm các sản phẩm phục vụ khách, kéo dài thời gian lưu trú. Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra giám sát chất lượng hàng hóa trên thị trường, kiên quyết xử lý các điểm bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Với Sở Giao thông vận tải, cần tập trung kinh phí để nhanh chóng nâng cấp tỉnh lộ 608 vì đây là tuyến cửa ngõ từ Vĩnh Điện (Điện Bàn) vào Hội An. Việc xử lý chất thải nguy hại của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam cũng cần theo hướng hợp lý và dựa trên số lượng thực tế và đơn giá quy định cụ thể chứ không thể khoán như hiện nay… “Hiệp hội mong muốn Sở VHTTDL cần nhanh chóng xây dựng bộ quy tắc quy định chuẩn mực ứng xử của các tổ chức cá nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến du lịch. Thông qua bộ quy tắc chúng ta sẽ góp phần hạn chế tình trạng cò mồi, bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè, đeo bám du khách, phương thức kinh doanh chụp giật, giá cả chưa đồng nhất… làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Quảng Nam trong mắt du khách. Riêng với việc thanh tra, kiểm tra cần tăng cường bổ sung đội ngũ thanh tra du lịch, thành viên đội kiểm tra quy tắc cũng phải biết ngoại ngữ để xử lý các hành vi liên quan đến khách nước ngoài” - ông Dũng kiến nghị.

Báo Quảng Nam