Điện Biên: Phát triển du lịch trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Cập nhật: 07/06/2016
(TITC) – Ngày 23/5/2016, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên đã ra Nghị Quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xác định mục tiêu phát triển du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại.
Di tích Điện Biên Phủ - Đồi A1 (Ảnh: Thanh Tâm)

Những năm gần đây, Điện Biên đã tích cực khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế và có những chiến lược phát triển dài hạn để mảnh đất địa đầu cực Tây của Tổ quốc trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, phấn đấu thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2015, du lịch Điện Biên đón hơn 420.000 lượt khách, tổng thu đạt 550 tỷ đồng, tăng 3,67 lần so với năm 2010, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, tình hình phát triển du lịch của Điện Biên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tốc độ tăng trưởng và doanh thu còn thấp, thiếu ổn định; khai thác thị trường khách quốc tế chưa hiệu quả; thời gian lưu trú và chi tiêu trung bình của du khách còn thấp. Những hạn chế này đến từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan như vị trí địa lý nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông đi lại khó khăn; nhận thức về phát triển du lịch chưa triệt để và toàn diện; năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ nguồn nhân lực du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp; bất cập trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; hoạt động xúc tiến du lịch chưa hiệu quả và thiếu sự liên kết chặt chẽ với các địa phương khác trong vùng.

Để du lịch phát triển trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội, Nghị Quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Điện Biên về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đưa ra các nhóm giải pháp quan trọng:

Về quy hoạch phát triển du lịch, Điện Biên chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và thực hiện quy hoạch phát triển du lịch đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Phối hợp tổ chức triển khai nội dung của Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang.

Về thu hút đầu tư, cần xây dựng cơ chế, chính sách tạo bước đột phá để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển du lịch; tạo hành lang pháp lý thông thoáng, nhất quán trong thu hút đầu tư. Sớm xây dựng và đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù khuyến khích phát triển du lịch tại Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang.

Về đa dạng hóa sản phẩm, Điện Biên quan tâm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng ở các khu vực nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; du lịch tham quan hang động, khám phá thiên nhiên. Mở rộng diện tích trồng cây ban nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức Lễ hội Hoa Ban.

Về quảng bá, xúc tiến du lịch, Điện Biên đẩy mạnh phối hợp với các địa phương khác và Tổng cục Du lịch để triển khai các chương trình xúc tiến đến các thị trường du lịch trọng điểm trong và ngoài nước; đề xuất các hoạt động cụ thể cho từng giai đoạn, hướng đến các thị trường có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày. Gắn xúc tiến quảng bá du lịch với xúc tiến thương mại và đầu tư, đối ngoại, giao lưu văn hóa tại các thị trường trọng điểm trong nước, các nước ASEAN và Trung Quốc. Xây dựng thương hiệu, hình ảnh du lịch Điện Biên thân thiện, mến khách. Đẩy mạnh công tác e-marketing.

Về liên kết phát triển du lịch, Điện Biên liên kết chặt chẽ với các tỉnh Tây Bắc để phối hợp khai thác tiềm năng của vùng, hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Hợp tác với các tỉnh tại các vùng du lịch trọng điểm: miền Bắc (Hà Nội, Quảng Ninh), miền Trung và Tây Nguyên (Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Lâm Đồng), miền Nam (TP. Hồ Chí Minh) để tăng cường nguồn khách và hỗ trợ xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch. Liên kết khai thác các tuyến du lịch với các tỉnh Bắc Lào, các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Vân Nam – Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ trên địa bàn.

Cùng với đó là các nhóm giải pháp về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch và đảm bảo an ninh, an toàn du lịch.

Hy vọng rằng với sự quan tâm của các cấp và sự nỗ lực của địa phương, du lịch Điện Biên sẽ đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020 đón 870.000 lượt khách, trong đó có 220.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 1.500 tỷ đồng và phấn đấu đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của khu vực trung du miền núi Bắc Bộ. Điện Biên kỳ vọng đến năm 2030 thu hút được 1,6 triệu lượt khách, trong đó 350.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 3.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 35.000 lao động (trong đó 10.000 lao động trực tiếp).

Hồng Nhung