Hấp dẫn du lịch làng nghề ở Phú Quốc
Cập nhật: 11/01/2018
(TITC) - Du lịch làng nghề, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, đã và đang được quan tâm của thế giới và Việt Nam nhằm giúp các làng nghề khôi phục và phát triển các giá trị văn hóa dân gian, tạo dựng môi trường du lịch văn hóa, đồng thời giúp cải thiện tốt hơn kết cấu hạ tầng đi kèm với việc bảo vệ môi trường tại làng nghề. Nhận thức được tiềm năng lớn này, các làng nghề truyền thống ở Việt Nam nói chung và ở Kiên Giang nói riêng bước đầu có ý thức khai thác sự hấp dẫn, độc đáo của sản phẩm mà mình tạo ra nhằm thu hút khách du lịch. 

Các nghề và làng nghề nổi tiếng ở Kiên Giang tập trung nhiều ở Phú Quốc như làng chài Hàm Ninh, làng nghề sản xuất nước mắm, nghề nuôi và sản xuất ngọc trai, nghề trồng hồ tiêu, nghề làm rượu sim… Khi tham gia các tour du lịch làng nghề ở Phú Quốc, du khách sẽ có dịp khám phá, tìm hiểu quy trình kỹ thuật của các nghề truyền thống, thâm nhập cuộc sống cộng đồng với những phong tục, tập quán và các nghi thức phường, hội riêng của các làng nghề.

Làng chài Hàm Ninh

Làng chài Hàm Ninh (nguồn ảnh: internet)

Làng chài Hàm Ninh là một ngôi làng cổ hoang sơ nằm bên bờ biển phía đông của đảo du lịch Phú Quốc, nép mình dưới chân núi Hàm Ninh. Nơi đây có phong cảnh hữu tình, sau lưng là ngọn núi Hàm Ninh cao 300m so với mực nước biển, trước mặt là biển Hàm Ninh nước trong xanh, dốc thoai thoải. Hướng về phía đông nam, hòn Nghệ mờ mờ trên làn nước biếc, phía nam là mũi ông Đội – mũi đất cuối cùng của đảo Phú Quốc.

Trước khi bước vào làng chài, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh thơ mộng của chiếc cầu tàu tạm nơi bến cảng Bãi Vòng. Vào sâu trong làng, du khách sẽ bắt gặp hình ảnh quen thuộc của làng quê miền biển với mái nhà tranh, vách tre từ bao đời nay, những chiếc ghe nép mình ngay trước hiên nhà, những cụ già cùng con trẻ nô đùa bên mảnh lưới còn đan dở... Thêm vào đó, nụ cười thân thiện của những cô gái làng chài sẽ làm bạn vương vấn mãi không thôi.

Đến với làng chài Hàm Ninh, du khách còn có cơ hội cùng người dân ra khơi, đánh bắt gần bờ, tìm hiểu về cuộc sống của ngư dân vùng biển. Làng chài Hàm Ninh được biết đến là nơi có nghề đánh bắt hải sản, ngọc trai được ngư dân gắn bó từ bao đời nay. Đến Hàm Ninh mà chưa thưởng thức ghẹ luộc thì coi như chưa biết đến làng chài này một cách trọn vẹn. Ghẹ là đặc sản vùng này, gần như lúc nào cũng có. Những con ghẹ vừa bắt lên đem luộc, màu đỏ tươi, thịt chắc nịch, chấm muối tiêu chanh, vừa nhâm nhi miếng ghẹ vừa tận hưởng những làn gió mang đậm hương vị biển cả, quả thật là một trải nghiệm vô cùng thú vị.

Nghề nuôi và sản xuất ngọc trai

Phú Quốc là địa danh nổi tiếng với nhiều đặc sản quý hiếm từ biển, trong đó nổi bật nhất là ngọc trai. Thiên nhiên ban tặng cho đảo Phú Quốc những vùng biển lặng sóng, có độ mặn lý tưởng cho nghề nuôi cấy trai lấy ngọc. Hơn 10 năm qua, nhờ áp dụng kỹ thuật nuôi cấy tiên tiến từ các quốc gia như Úc, Nhật… kết hợp với các điều kiện thiên nhiên phù hợp, nghề nuôi trai lấy ngọc ở Phú Quốc đã thực sự phát triển và lớn mạnh. Ngọc trai Phú Quốc được xếp trong nhóm ngọc trai đẹp nhất thế giới.

Phú Quốc có đầy đủ các viên ngọc chất lượng cao mang nhiều màu sắc, kích thước và hình dáng khác nhau với hàng nghìn sản phẩm độc đáo như chuỗi ngọc màu trắng sữa hoặc đen tuyền, rất sang trọng, những đôi bông tai lấp lánh, những chiếc nhẫn có đính ngọc trai trông rất quý phái, mặt dây chuyền, bộ ngọc..., đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, cân bằng huyết áp và đặc biệt góp phần tôn vinh vẻ đẹp rạng ngời của phái đẹp. Ngoài ra, những nghệ nhân khéo tay xứ đảo còn tận dụng vỏ ngọc trai để chế tác thành các món đồ trang trí hoặc làm những mặt dây chuyền hình trái tim, hình cây thánh giá... được giới trẻ đặc biệt yêu thích.  

Ngọc trai Phú Quốc được trưng bày rất nhiều tại các gian hàng bán quà lưu niệm ở thị trấn Dương Đông, chợ đêm Dinh Cậu, cảng An Thới, cảng Bãi Vòng – Hàm Ninh… Hiện tại ở Phú Quốc có các cơ sở nuôi cấy ngọc trai lớn như: Ngọc Hiền,  Quốc An, cơ sở nuôi cấy ngọc trai của người Nhật và người Úc…

Làng nghề làm nước mắm

Xưởng sản xuất nước mắm Phú Quốc

Nước mắm Phú Quốc là một trong những loại nước mắm không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết đến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Nghề làm nước mắm ở Phú Quốc có lịch sử trên 200 năm. Từ cuối thế kỷ19, người dân trên đảo đã bán nước mắm sang Campuchia và Thái Lan. Tuy nhiên, nước mắm Phú Quốc chỉ nổi tiếng từ những năm 1950. Thời kỳ này, Phú Quốc có khoảng 20 nhà thùng sản xuất nước mắm, tập trung chủ yếu cạnh mé sông Dương Đông để thuận tiện cho các ghe tàu hàng hóa cập bến. Tất cả đều là những doanh nghiệp gia đình cha truyền con nối hay quan hệ bà con ruột thịt.


Vùng biển Phú Quốc có nhiều rong biển và phù du nên thu hút hàng đàn cá cơm về quần tụ. Từ tháng 4 đến tháng 11, cá cơm đi từng đàn trông đỏ cả vùng biển gần bờ và người làm nghề bắt đầu mùa “săn cá”. Nước mắm Phú Quốc nổi tiếng nhờ độ đạm cao (36oN - 40oN) mang vị mặn dìu dịu, ngọt ngào quyến luyến và thơm lừng mùi cá cơm sóc tiêu đặc sản, chỉ riêng Phú Quốc mới có. Nước mắm cốt nguyên chất có màu nâu sậm, trong vắt và sánh đặc, càng để lâu càng ngon.

Hiện Phú Quốc có khoảng 100 cơ sở sản xuất nước mắm, nổi tiếng như Hồng Đại, Sáng Tươi, Hải Sơn, Khải Hoàn, Thành Khoa, Anh Duyệt, Hưng Thành… Ước tính sản lượng trên 10 triệu lít/năm.

Nghề trồng hồ tiêu

Tiêu Phú Quốc là một đặc sản địa phương, cũng là món quà độc đáo với khách du lịch trong và ngoài nước. Các vườn tiêu luôn được đưa vào danh mục điểm đến trong các tour du lịch tại Phú Quốc.

Hiện ở Phú Quốc có gần 500ha diện tích trồng hồ tiêu, tập trung ở 3 xã Cửa Dương, Cửa Cạn và Dương Tơ. Tiêu được trồng chủ yếu là 2 giống Hà Tiên và Phú Quốc, có thời gian thu hoạch từ khoảng tháng 11 âm lịch kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch. Tiêu Phú Quốc nổi tiếng vì vỏ mẩy, hạt chắc, cay và thơm nồng không nơi nào có được. Tiêu được người dân Phú Quốc thu hoạch thủ công theo từng đợt, những quả chín phơi riêng gọi là tiêu chín (tiêu đỏ), những quả còn xanh sau khi phơi khô được gọi là tiêu cội (tiêu đen). Do nhu cầu của thị trường, người dân đã dùng tiêu đen tẩy bỏ vỏ chỉ còn lại phần lõi hạt gọi là tiêu sọ. Trong các loại tiêu thì tiêu chín là ngon nhất và có giá trị kinh tế cao nhất.

Nhằm gia tăng lợi nhuận cho nông dân, nhà nước khuyến khích bà con trồng hồ tiêu kết hợp với khai thác du lịch. Các vườn tiêu được trồng phải vừa mang tính kinh tế vừa mang tính thẩm mỹ để thu hút khách đến tham quan.

Nghề làm rượu sim

Đến Phú Quốc, du khách không thể bỏ qua một đặc sản ẩm thực nổi tiếng đó là rượu sim (hay còn gọi là vang sim) đặc biệt thơm ngon, được xếp vào hàng “danh tửu”. Mùa sim rừng Phú Quốc bắt đầu từ đầu tháng Giêng đến cuối tháng Tư âm lịch hàng năm. Rượu vang sim Phú Quốc không chỉ mang đậm phong vị của núi rừng mà còn được xem như một thức uống khai vị, giúp bữa ăn thêm ngon miệng, đồng thời có tác dụng giúp ăn ngon, ngủ ngon, mạnh gân cốt, chống được các bệnh nhức mỏi của người già hay bệnh sỏi thận.

Một số cơ sở sản xuất rượu sim nổi tiếng ở Phú Quốc là Bảy Gáo, Sim Sơn… Hiện nay, thương hiệu rượu sim Phú Quốc đã có mặt khắp các vùng miền trong cả nước và sang tận Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Nhật…

Bài: Lam Phương; ảnh: Quang Huy