Đề xuất biện pháp cấp thiết bảo vệ công trình Tháp B3- kiệt tác kiến trúc trong khu đền tháp Mỹ Sơn
Cập nhật: 18/04/2018
Ngày 18/4, ông Phan Hộ, Trưởng ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cho biết: Tháp B3 là một trong những kiệt tác kiến trúc hiếm hoi còn lại trong quần thể đền tháp của di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Một góc Khu đền tháp Mỹ Sơn, thánh địa Ấn Độ giáo của Vương quốc Chămpa. Ảnh: Trọng Đạt

Công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật rất cao này đang trong tình trạng rất nguy hiểm, cần được chống đỡ, gia cố, trùng tu khẩn cấp.

Cụ thể, tháp B3 đang xuống cấp nghiêm trọng, thân tháp bị rạn nứt nhiều chỗ, trong đó có khe nứt dài nhất 0,6 m, rộng nhất 18 cm...; toàn bộ thân tháp đang nghiêng về hướng Tây - Nam. Đây là tháp có nguy cơ sụp đổ cao nhất trong quần thể các đền tháp tại Mỹ Sơn.

Tháp B3 nằm ở góc Tây Nam của phức hệ công trình khu B, C, D. Các công trình này được xây dựng trên một ngọn đồi thấp, được bao bọc bởi dòng suối Khe Thẻ. Tháp có mặt Tây và Nam giáp suối Khe Thẻ, mặt Đông và Bắc giáp tháp B1 và B4. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ X, là nơi thờ thần Ganesha - con trai thần Shiva.

Tháp B3 có tổng chiều cao hiện trạng là 9,45m, đế rộng 4,5m dài 5,3m, tháp đang nghiêng khoảng 3 độ về hướng Tây – Nam (hướng ra suối Khe Thẻ), có các vết nứt từ đỉnh đến móng công trình ở hai mặt tường phía Đông và Tây... Các đường nứt này tách đôi công trình, khe nứt càng ngày càng rộng, có nơi nhìn thấy được ánh sáng xuyên qua tường. Phần thân tháp đang bị các côn trùng, thực vật, nấm mốc xâm hại. Phần tiền sảnh dù đã được gia cố trùng tu nhưng gạch ở lối đi bị mòn, bong tróc làm cho hai trụ trang trí có nguy cơ ngã đổ, khung cửa nghiêng về mặt Tây Nam, đà bị gãy đôi. Phần mái của tháp bị vẹo theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, gạch trên đỉnh rơi tạo lỗ thông nơi đỉnh tháp khi mưa gió khiến lòng tháp bị đẫm nước.

Cũng như nhiều công trình khác trong quần thể đền tháp Mỹ Sơn, tháp B3 chịu tác động của lũ lụt, mưa gió, độ ẩm cao, chênh lệch nhiệt độ cao giữa mùa mưa và nắng, giữa ngày và đêm nên tình rạng xuống cấp là điều không tránh khỏi. Các giải pháp gia cố trùng tu mà chuyên gia Ba Lan thực hiện trước đây đã phần nào giúp công trình đứng vững đến ngày nay, nhưng các giải pháp này vẫn chưa ngăn chặn quá trình nghiêng lún và các khối tường tháp tách rời nhau.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nguy hiểm của tháp B3 là do tầng đất dưới công trình không vững và không ổn định. Tháp lại nằm cạnh suối nên công trình dễ nghiêng, một góc là bên suối, một góc nằm cạnh B1 và B4 nên công trình lún không đều. Thứ hai là do tháp chịu sự tác động của thiên nhiên như nước mưa, lũ lụt hằng năm, sinh vật thực vật gây hại bên trong lõi tường tháp. Bên cạnh đó do trong thời kỳ chiến tranh, tháp B3 từng bị bom đánh sập một mảng tường phía Tây, công trình bị nứt và vỡ nhiều chỗ.

Trước nguy cơ sập đổ của tháp B3, Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã báo cáo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam về tình trạng nguy hiểm của tháp B3; đề xuất các biện pháp chống đỡ cấp thiết bên trong và bên ngoài tháp B3, gia cố hệ móng công trình, gia cố địa tầng, nhất là phía tiếp giáp lòng suối và nhiều biện pháp kỹ thuật khác để bảo vệ công trình.

Đoàn Hữu Trung

TTXVN