Khai mạc Liên hoan Hát then đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ 6
Cập nhật: 14/05/2018
Tối ngày 12/5/2018, tại Quảng trường 26/3, thành phố Hà Giang đã diễn ra lễ khai mạc Liên hoan Hát then đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc lần thứ 6 năm 2018 và Công bố quy hoạch khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trao cờ lưu niệm cho đại diện 14 đoàn nghệ nhân tham gia liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái lần thứ 6 năm 2018

Tham dự chương trình có đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Giang; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, cùng lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương, đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam… Chương trình còn có sự tham gia của hơn 500 các nghệ nhân diễn viên các dân tộc Tày, Nùng, Thái của 14 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Đắk Lắk.

Phát biểu khai mạc chương trình, đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái lần thứ 6 nhấn mạnh: “Trong những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành trung ương, đời sống của đồng bào dân tộc Tày - Nùng - Thái cả nước đã có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên, đồng bào các dân tộc luôn phát huy tinh thần đoàn kết, kiên trung với Đảng, nỗ lực vươn lên cùng cộng đồng 54 dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ cũng như phát triển đất nước”.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, Trưởng ban tổ chức phát biểu tại liên hoan

Là một tỉnh vùng cao, cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang là nơi hội tụ của 19 dân tộc, trong đó dân tộc Tày - Nùng - Thái hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo và đang là điểm đến hấp dẫn các nhà khoa học, các du khách trong nước và quốc tế. Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang, đồng bào dân tộc Tày - Nùng - Thái có vai trò đặc biệt quan trọng, hỗ trợ sức người, sức của bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý bày tỏ tin tưởng và tự hào vào đồng bào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Hà Giang ngày hôm nay và mai sau.

Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu khai mạc Liên hoan

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên khẳng định: Liên hoan hát then đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái lần thứ 6 tại Hà Giang nhằm chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc. Đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá những giá trị di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc đến bạn bè trong nước và quốc tế, tôn vinh một loại hình văn hoá nghệ thuật đặc sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Thái và một số dân tộc khác ở Việt Nam. Qua đó góp phần tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức gìn giữ, phát huy, phát triển những giá trị văn hoá trong thời kỳ mới.

Liên hoan nghệ thuật Hát then, Đàn tính toàn quốc được Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ với các địa phương định kỳ tổ chức 3 năm một lần. Liên hoan năm 2018 sẽ diễn ra một số hoạt động: Biểu diễn giới thiệu Di sản hát Then, đàn Tính; Trình diễn Nghi lễ Then; Trưng bày gian hàng giới thiệu sản phẩm, triển lãm về chủ đề “Di sản văn hóa Then các dân tộc Tày - Nùng - Thái Việt Nam và tỉnh Hà Giang”, giới thiệu nghề dệt vải truyền thống của các dân tộc Tày - Nùng - Thái. 

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trao quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Nhân dịp này, Bộ VHTTDL và tỉnh Hà Giang cũng đã công bố Quy hoạch khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ Tày – Nùng – Thái đến từ 14 địa phương tới dự Liên hoan

Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc biệt với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ Tày – Nùng – Thái đến từ 14 địa phương tới dự Liên hoan. Chương trình gồm ba phần, trong đó chương 1 là lễ hội truyền thống – Nơi lưu giữ phần hồn của đồng bào các dân tộc Tày – Nùng – Thái, giới thiệu đặc trưng văn hóa dân gian, nếp sống trong sinh hoạt cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái. Qua đó, nói lên nhân sinh quan của đồng bào với thế giới tự nhiên và mối quan hệ của con người với nhau… Chương 2 mang tên “Như hoa hướng dương đón ánh mặt trời” nói về những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tày – Nùng - Thái trong sự nghiệp đấu tranh gìn giữ đất nước. Phần cuối mang tên “Thăng hoa tinh hoa văn hóa dân tộc Tày – Nùng - Thái”.

Báo Tổ quốc