Đề nghị đưa Nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Co vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Cập nhật: 14/11/2018
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có Tờ trình số 116/TTr-UBND gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) về việc đề nghị đưa Nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Co huyện Trà Bông, tỉnh Quảng Ngãi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đồng bào Co đánh cồng chiêng kết hợp múa Cà đáo. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Nghệ thuật cồng chiêng của dân tộc Co ở huyện Trà Bông có lịch sử lâu đời và được bắt nguồn từ truyền thống sinh hoạt văn hóa cồng chiêng trong các lễ hội tiêu biểu với những bài chiêng và cách thức diễn tấu đã đạt đến trình độ cao về nghệ thuật và kỹ thuật cho nên nó có tính đại diện thể hiện được bản sắc văn hóa của cộng đồng, mang đậm dấu ấn và sức sống riêng của dân tộc Co.

Đặc điểm nổi bật sáng tạo của nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Co là tạo ra các bài Chiêng có ý nghĩa thiết thực, linh hoạt, dung hòa như các bài chiêng chào khách, cúng thần, tiễn khách được diễn tấu kết hợp với múa cà đáo một cách hợp tình, hợp lý theo trình tự nghi thức cúng thần nhưng lại hài hòa được với nhau trong một tổng thể của lễ hội ăn trâu.

Sự sáng tạo của nghệ thuật cồng chiêng còn được thể hiện ở chỗ, người Co linh hoạt sử dụng cồng chiêng khi là phương tiện giao tiếp với thần linh như trong lễ hội ăn trâu khi là phương tiện đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng như trong phần hội của lễ hội mùa, đó là việc sử dụng ba bài chiêng chào khách, tiễn khách, cúng thần linh kết hợp với múa cà đáo trong lễ hội ăn trâu để trình diễn phục vụ người xem trong lễ Tết Ngã rạ.

Ngoài ra, người Co còn dựa vào hai bài chiêng chào khách, tiễn khách có tiết tấu rộn ràng, vui tươi dùng trong lễ ăn trâu để phát triển thành bài đấu chiêng có tiết tấu dồn dập, sôi động, hùng tráng cùng với sự ngẫu hứng cao độ của người chơi vừa mang tính giải trí sáng tạo cao vừa có khả năng gắn kết cộng đồng.

Như vậy, di sản cồng chiêng của dân tộc Co tuy không đồ sộ nhưng vẫn có sự đa dạng độc đáo riêng, trong đó đấu chiêng là bộ môn nghệ thuật có giá trị đặc sắc nổi bật, thông qua việc trình diễn đấu chiếng trong ngày hội của lễ Tết Ngã rạ thắt chặt tinh thần đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng, mang tinh thần vui vẻ, sảng khoái cho mỗi người dân khi tham dự lễ hội, họ quên đi mọi lao động vất vả để hòa mình trong bầu không khí náo nhiệt của lễ hội. Chính các giá trị về mặt tinh thần đó đã đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người Co. Cũng thông qua tổ chức đấu chiêng, các giá trị về kỹ năng, kỹ thuật đánh chiêng, cách chơi, cách trình diễn, cách phô diễn hình thể mang tính thi đua cao đã thể hiện khả năng sáng tạo âm nhạc cồng chiêng của dân tộc Co.

Hiện nay, Lễ hội Cồng chiêng của dân tộc Co trở thành lễ hội lớn, hấp dẫn du khách trong và ngoài tỉnh, hàng năm thu hút hàng nghìn người đến tham dự. Lễ hội đã trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn được du khách tới tham quan, trải nghiệm.

Để bảo tồn và phát huy lễ hội nghệ thuật cồng chiêng dân tộc Co huyện Trà Bông, UBND tỉnh Quảng ngãi đã lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể theo quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 đề nghị Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lan Anh (t/h)

toquoc.vn