Xây Dựng Mô Hình “Làng Văn Hóa Du Lịch ở Đồng Bằng Sông Cửu Long”
Cập nhật: 12/06/2019
Sáng 5/6/2019, tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách trên nền tảng phát triển du lịch nông thôn”.  

Tham dự có ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cùng đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đại diện Sở VHTTDL, Sở Du lịch đến từ các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL, các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.

Hội thảo do Thứ trưởng Trần Thanh Nam chủ trì, tập trung vào 2 nội dung chính gồm: (1) lý luận và thực tiễn phát triển du lịch nông thôn, những kinh nghiệm triển khai và cơ chế quản lý làng văn hóa du lịch; (2) kết nối đầu tư xây dựng và thương mại hóa sản phẩm du lịch.

Mục tiêu của Hội thảo nhằm: (1) phát triển nhận thức về du lịch nông thôn thông qua xây dựng làng văn hóa du lịch; (2) chia sẻ những lý luận và thực tiễn về phát triển làng văn hóa du lịch tại Việt Nam; (3) quảng bá, phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bến Tre, giới thiệu tiềm năng, cơ hội phát triển du lịch Chợ Lách. Đồng thời, làm cơ sở cho việc hoàn thiện Đề án Phát triển kinh tế du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ được trình Chính phủ trong quý III, năm 2019.

Theo PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - chủ nhiệm Đề án Làng Văn hóa du lịch, về mặt địa giới, phạm vi của làng văn hóa du lịch gồm 4 ấp thuộc 4 xã của huyện Chợ Lách: ấp An Hòa (xã Long Thới), ấp Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành), ấp Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa) và ấp Lân Đông (xã Phú Sơn). Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách là một sản phẩm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), là biểu trưng cho tính đặc thù của địa phương, hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các diễn giả chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình về làng văn hóa du lịch, về du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch nông nghiệp, các cơ chế chính sách, chiến lược phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, Bến Tre cần phát huy lợi thế tài nguyên bản địa. Từ đó, đưa ra cơ chế chính sách đặc thù trong phát triển du lịch nông thôn, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ, đào tạo nâng cao nhận thức của người dân về các kỹ năng hoạt động du lịch, sắp xếp tổ chức lại sản xuất để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch nhưng vẫn giữ được nét truyền thống nông thôn…Mặt khác, Bến Tre chú trọng phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn để phục vụ tốt hơn cho du lịch, đặc biệt quan tâm đến vấn đề môi trường xung quanh.

Dịp này UBND tỉnh Bến Tre và Công ty Du lịch Bến Thành, Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist, Công ty Sài Gòn Asset đã tiến hành ký kết ghi nhớ về phát triển Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách.

Kết thúc hội thảo, các đại biểu đã thực hiện nghi thức bấm nút khởi động Làng văn hóa du lịch huyện Chợ Lách.

Nghi thức Bấm nút Khởi động Làng Văn hóa Du lịch

Trước đó, ngày 4/6/2019, các đại biểu gồm đại diện các viện, trường, các sở, ngành trong và ngoài tỉnh Bến Tre đã đến khảo sát các điểm du lịch dự kiến xây dựng Làng Văn hóa du lịch như Khu sinh học Cái Mơn, Nhà thờ Cái Mơn, Khu du lịch Bảy Thảo, Làng hoa giấy Phú Sơn, Khu du lịch Long Thới, các tuyến du lịch trên sông khu vực cồn Cái Gà, sông Hàm Luông, vàm Cái Mơn. Đây là các điểm nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Chợ Lách.

Trần Linh

kiengiang.gov.vn