Nuốc - đặc sản riêng xứ Huế
Cập nhật: 06/12/2019
Không nơi nào trên đất nước ta có vùng nước lợ rộng lớn đến 21.620 ha như hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ở Thừa Thiên Huế. Đây chính là môi trường tự nhiên sinh sôi vô vàn loài nuốc có nhiều protein, các chất khoáng tự nhiên tinh khiết ngon lành không kém những loài thủy sản tươi sống.

Vùng cửa Lác (Quảng Điền), cửa Thuận An (Phú Vang), cửa Tư Hiền (Phú Lộc) là môi trường, sinh thái sinh sôi vô vàn loài nuốc, nhiều nhất khi ở vào đầu hạ, và biến mất hẳn khi mùa áp thấp nhiệt đới, bão lụt về.

Đơn giản là nuốc chân quẹt mắm ruốc vừa ăn cay vừa hít hà

Đánh bắt loài nuốc không quá khó bởi chúng nổi trên mặt nước từng đám lớn cỡ cái nia, dễ thấy bằng mắt thường. Ngư dân chèo thuyền ra giữa dòng, dùng vợt hay bủa lưới để đánh bắt nuốc rồi đem về phân loại: nuốc chân (có chấm đen), nuốc vai (trắng trong), sau đó rửa sạch bằng nước ngọt, bỏ vào thùng phi (đựng nước lợ) chuyên chở đến bán trên các chợ thành phố, thị trấn.

Khi mua về con nuốc cần phải chế biến thật nhanh để tránh bị teo tóp lại, mất hết vị ngọt tự nhiên. Các bà nội trợ thường mua nuốc sống về ngâm trong nước vo gạo để con nuốc thăn lại một nửa, vớt ra chà xát với lá ổi cho hết mùi tanh, rồi cắt thành từng miếng nhỏ để ăn gỏi sống với các loại rau thơm, vả, chuối chát xắt lát mỏng, bánh tráng. Nước chấm cho món gỏi nuốc là ruốc biển nguyên chất, đánh nhuyễn sền sệt pha với chanh, ớt bột, tỏi.

Biến tấu hải sản món bún nuốc có thêm cá thệ, gạch cua trứng

Trong bữa ăn bình thường, các bà chỉ cần vài thứ gia vị (chanh, ớt, tỏi, mì chính), sau đó sử dụng rau trái có sẵn trong vườn (khế, chuối chát, vả, rau thơm) là đã có một bữa ăn tươm tất cho gia đình. Nếu muốn cầu kỳ hơn đôi chút thì chế biến món bún “khô” giấm nuốc với đầy đủ các gia vị (trái khế chua, trái vả, dưa gang và chuối chát xắt lát thật mỏng), có thể thêm tôm rằn, thịt heo, chả ram cho bát bún thêm phần hấp dẫn.

Vũ Hào

Báo Tạp Chí Du Lịch