Du lịch biển nhộn nhịp trở lại sau đại dịch
Cập nhật: 08/06/2020
Gần 50 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng, các bãi biển công cộng ở một số tỉnh, thành phố như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định,… đã mở cửa trở lại.

Ngành du lịch thiệt hại nặng nề nhưng hồi phục mạnh mẽ

Các bãi biển nhộn nhịp mùa hè - Ảnh: Internet

Ngành du lịch thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng với thiệt hại ước tính hàng chục tỷ USD do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhiều hãng lữ hành, hãng hàng không trong tình trạng lao đao, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Trong Hội nghị ngành Du lịch ứng phó với đại dịch diễn ra vào ngày đầu tháng 2/2020 tại Hà Nội, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Lê Hoài Chung đưa ra dự đoán ước tính trong 3 tháng tới, thiệt hại của ngành du lịch sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD do dịch viêm phổi do chủng mới virus Corona (COVID-19) gây ra. Lượng khách du lịch quốc tế  sẽ giảm 3,7 - 4,7 triệu, trong khi khách du lịch địa phương được dự đoán sẽ giảm 50% -70%, tương đương 11-15 triệu.

Qua thống kê sơ bộ, trong Quý I/2020, tổng thiệt hại (trực tiếp) của ngành Du lịch Đà Nẵng khoảng hơn 1.859 tỷ đồng. Lũy kế Quý II/2020, ước tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng (trong đó ước tính thiệt hại tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỷ đồng; tại các đơn vị vận chuyển là 432 tỷ đồng; tại các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỷ đồng, tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.000 tỷ đồng và tại các khu, điểm du lịch khoảng 685-690 tỷ đồng). Dự kiến cả năm 2020, tổng thiệt hại trực tiếp của ngành Du lịch ước khoảng 6.806 tỷ đồng.

Đầu tháng 4/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chính phủ bổ sung giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, có 3 kịch bản phục hồi, tùy diễn biến của dịch đã được vạch ra, đó là: khi Việt Nam công bố hết dịch; khi Việt Nam và một số nước trong khu vực công bố hết dịch; khi thế giới hết dịch. Các kịch bản đều có bước triển khai phù hợp với từng thời điểm; ưu tiên kích cầu du lịch nội địa, sau đó hướng tới thị trường quốc tế và thực hiện chiến lược quảng bá “Du lịch Việt Nam - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” theo từng cấp độ.

Tổng cục Du lịch Việt Nam dự kiến một sự phục hồi chậm cho ngành du lịch sau đại dịch, và đưa ra hai kịch bản chính cho du lịch Việt Nam trong năm 2020. Với kịch bản 1, khi dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 6/2020, lượt du khách quốc tế trong năm 2020 dự kiến giảm 70% so với năm 2019. Với kịch bản 2, dịch bệnh được kiểm soát vào tháng 9/2020, lượt du khách quốc tế trong năm 2020 dự kiến giảm 75% so với năm 2019.

Thế nhưng, chỉ sau kỳ nghỉ lễ chật cứng người ở các điểm đến du lịch trong cả nước, chứng tỏ ngành du lịch đang hồi phục mạnh mẽ ngay trong lúc dịch bệnh vẫn đang hoành hành bên ngoài đất nước.

Việt Nam - Điểm đến an toàn, an tâm du lịch

Những điểm du lịch hấp dẫn ở Nha Trang

Đề cập đến giải pháp của ngành Du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về du lịch an toàn khi các di tích, cơ sở du lịch... mở cửa trở lại. “Đây là việc làm cấp thiết để hoạt động du lịch trở lại tốt hơn. Điểm đến có an toàn, thì mới thu hút được du khách”, bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Ngay trong dịp lễ, vào ngày 1/5, các hoạt động du lịch được nối lại ở Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Sau 4 ngày nghỉ lễ, các bãi biển công cộng ở một số tỉnh, thành phố như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An đã mở cửa trở lại nhưng với những hạn chế về xã hội.

Trong lúc các ban ngành đang bàn thảo rất nhiều về hướng đi cho ngành du lịch trong nước hậu Covid-19 thì tỉnh Khánh Hòa đã lập tức hành động và đã thực hiện ngay Chương trình kích cầu du lịch Khánh Hòa sẽ được triển khai từ ngày 1-6 đến ngày 21-12 với các thông điệp "Việt Nam an toàn", "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", "Nha Trang biển gọi".

Chương trình kích cầu bao gồm các nội dung: Triển khai gói kích cầu du lịch; tổ chức gặp mặt kết nối các doanh nghiệp tham gia kích cầu du lịch tại Hà Nội và Hải Phòng; tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề "Nha Trang biển gọi" tháng 7/2020; tham gia các hội chợ du lịch trong nước; quảng bá, giới thiệu du lịch Khánh Hòa tại Thái Lan; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa; tổ chức chuỗi hội thảo về giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động du lịch tỉnh...

Rất nhiều gia đình đã lên kế hoạch cho chuyến nghỉ lễ dài ngày và điểm đến được chọn chính là các bãi biển đẹp và nổi tiếng trong nước. Tại Nha Trang, ngay sau lễ bắt đầu nhận được nhiều đơn đặt phòng và giữ chỗ cho các gia đình. Thời điểm giữ chỗ rơi vào giữa tháng 7, khi các học sinh kết thúc nhanh học kỳ 2.

Trước sự nhộn nhịp của thị trường du lịch trong nước, nhiều kế hoạch tổ chức bán hàng, team buiding, du lịch MICE cũng chốt lịch. Thời điểm này chính là cơ hội vàng để các nhóm bạn, công ty, gia đình book phòng vì giá đang giảm. Khách sạn 4 và 5 sao tại Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc gần như tung đồng loạt các chiến dịch khuyến mãi rầm rộ.

Quốc Hoà

VTC