Hà Nội định vị sự phát triển với tư cách Thủ đô sáng tạo
Cập nhật: 30/09/2020
Ông Michael Croft-Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, một trong những điều quan trọng để Hà Nội trở thành một Thủ đô sáng tạo, đó là học hỏi kinh nghiệm của các thành phố trong mạng lưới để xây dựng chính sách và khai thác vốn văn hóa làm nguồn lực chính cho phát triển.

Ông Michael Croft-Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. Ảnh: Minh Anh

Khi sáng tạo trở thành một phần của chiến lược tăng trưởng và phát triển

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo “Nguồn lực Văn hóa trong chiến lược “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội” được tổ chức sáng 28/9 tại Hà Nội, ông Michael Croft nói, những mô hình thành phố sáng tạo điển hình thành công là Singapore, Bangkok (Thái Lan), Busan (Hàn Quốc) đều có một điểm nổi bật là chính sách tạo ra môi trường khuyến khích các sáng kiến và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, lấy các ngành công nghiệp văn hóa, vốn văn hóa để trở thành nguồn lực chính cho phát triển. Một điều rất quan trọng đó việc kết nối trao đổi với các thành phố trong mạng lưới các thành phố sáng tạo không chỉ giúp xây dựng chính sách kết nối các nguồn lực, thúc đẩy sự trao đổi và giao lưu giữa các nhóm cộng đồng và cá nhân ở trong thành phố của mình mà còn có thể chia sẻ những bài học và chính sách kinh nghiệm thực tiễn rất là hữu dụng.

Ông Michael Croft cho biết, theo Báo cáo Toàn cầu của UNESCO năm 2018 về tái định hình các chính sách văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành động lực phát triển kinh tế một cách mạnh mẽ, giúp tạo nên thu nhập và khối lượng việc làm đáng kể. Cuối thập kỷ vừa qua, các ngành công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều việc làm cho giới trẻ hơn bất kỳ ngành nghề nào khác, có tỷ lệ lợi nhuận cao mà không phụ thuộc vào việc tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên hay các nguồn năng lượng. Văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo đang ngày càng được coi là những giải pháp chiến lược cho những mô hình sáng tạo, sản xuất, gia tăng thu nhập và giảm nghèo kiểu mới, đồng thời, chúng đang nhanh chóng trở thành một thành phần chủ đạo cho sự phát triển kinh tế trên thế giới nói chung và tại khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Từ những yếu tố nói trên, rất nhiều quốc gia và các thành phố tại khu vực Đông Nam Á hiện nay đã và đang cam kết mạnh mẽ với công cuộc phát triển văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo, lấy đó làm động lực để tăng trưởng kinh tế, gia tăng giá trị và tạo thêm bản sắc độc đáo mới cho mỗi quốc gia trong mối cảnh thị trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh - đó chính là sức mạnh mềm của một quốc gia.

Ông Michael Croft cho rằng, khi sáng tạo trở thành một phần của chiến lược tăng trưởng và phát triển thì sáng tạo có thể đóng góp cho sự hồi sinh kinh tế bằng cách tạo các cơ hội giao lưu và chia sẻ kinh tế và văn hóa một cách năng động, từ đó cho kết quả là sự đổi mới, sáng tạo. Đây cũng là điều quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là những người quan tâm đến quan hệ quốc tế của Việt Nam, rằng sức sáng tạo có sức mạnh làm mới và thậm chí là xây dựng lại bản sắc dân tộc, khơi dậy khát vọng và xây dựng những hình ảnh mang tính toàn cầu mới. Vì vậy, trên bình diện kinh tế, xã hội và chính trị, thì việc Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO sẽ cần được quan tâm một cách kỹ lưỡng.

Hà Nội đang có thời cơ để trở thành thành phố đi tiên phong

Theo ông Michael Croft, bề dày truyền thống các di sản văn hóa của Hà Nội là kết quả trực tiếp của một quá trình kế thừa, sáng tạo và đổi mới nhưng cũng không kém phần phong phú, độc đáo. Với một thể chế vững chắc của thành phố Hà Nội, một hình ảnh của một thành phố mang tầm quốc tế, có kết cấu hạ tầng giáo dục toàn diện và đông đảo tài năng trẻ, Hà Nội đang có thời cơ để trở thành thành phố đi tiên phong. Nhưng làm thế nào để chuyển biến từ chiến lược thành hành động, để xác định các hướng đi cụ thể, để việc ghi danh Hà Nội là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có thể giúp thay đổi thực tế hiện nay vẫn là câu hỏi khó.

Ông Michael Croft cho rằng, Hà Nội đã không lựa chọn những lĩnh vực mà thành phố đã đạt được tiến bộ như lĩnh vực ẩm thực mà lựa chọn thiết kế. Điều này khiến Hà Nội tạo được ấn tượng đầy thuyết phục về chủ ý muốn nâng tầm Mạng lưới các thành phố sáng tạo trở thành công cụ để định hình con đường phát triển phía trước, dùng danh hiệu này không chỉ là động lực cho các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mà còn là cách để tạo ảnh hưởng lên tất cả các khía cạnh của sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cách tiếp cận và định hướng Thủ đô sáng tạo giúp lập kế hoạch chuyển từ một cách tiếp cận dựa vào dự án và mang tính phản ứng sang thực hiện những sáng kiến phát triển dựa trên thái độ chủ động, cởi mở chia sẻ về những lựa chọn ưu tiên đầu tư của thành phố với các đối tác tư nhân và quốc tế; mở ra các cơ hội để hiện thức hóa tầm nhìn chiến lược của các nhà đầu tư, đồng thời khích lệ sự tham gia của người dân.

Ông Michael Croft đề xuất, sau Hà Nội, có thể thiết lập một mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trải dọc từ Bắc vào Nam. Ngoài những lợi ích kinh tế - xã hội, “vành đai” sáng tạo này sẽ cung cấp một cách biểu đạt đầy sức mạnh cho một Việt Nam hiện đại, năng động và sáng tạo hơn với nền kinh tế hội tụ, tạo cảm hứng cho sự ra đời của những thực hành và sản phẩm văn hóa mới.

Nhằm hỗ trợ thực hiện tầm nhìn của một Thủ đô Sáng tạo, thời gian qua UNESCO đã hợp tác với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các trường đại học và các bên liên quan hỗ trợ thanh niên nắm giữ vai trò đi đầu trong sáng kiến này. Đây là một điều hoàn toàn có lý khi họ là đại diện cho nguồn sáng tạo và đổi mới.

“Cam kết của chúng tôi là dài hạn và toàn diện, vì điều đó chúng tôi tin tưởng rằng sáng kiến này không chỉ hỗ trợ sự phát triển bền vững của thành phố mà còn bảo đảm người dân Hà Nội sẽ cảm nhận được sự gắn kết đặc biệt với thành phố của mình và giữa những người dân thành phố với nhau, một mối quan hệ mà chính chúng ta trân trọng, lưu giữ, truyền lại cho các thế hệ mai sau” Ông Michael Croft  nói.

Được thành lập năm 2004, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành phố xác định những ngành công nghiệp văn hóa là một thành phần mấu chốt trong mô hình phát triển của mình. Khi nộp hồ sơ xin gia nhập Mạng lưới, một thành phố ứng viên phải xem xét Hiện nay, Mạng lưới có hơn 200 thành phố từ 72 quốc gia.

Minh Anh

Báo Chính phủ