Nghệ An cơ cấu lại ngành kinh tế biển
Cập nhật: 22/08/2020
Tỉnh Nghệ An đang tiến hành cơ cấu lại ngành kinh tế biển; trong đó, trọng tâm hướng đến là khai thác bền vững các tiềm năng, lợi thế của vùng biển và ven biển, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế biển và ven biển.  

Du khách tắm biển và nghỉ dưỡng tại bãi biển Cửa Lò. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Trong phát triển kinh tế du lịch biển và ven biển, tỉnh ưu tiên hoàn thành các dự án trọng điểm ven biển như Tổ hợp vui chơi giải trí, cáp treo Vinpearl Cửa Hội; dự án quần thể du lịch, thể thao, giải trí Lan Châu - Song Ngư; dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc; dự án khu du lịch sinh thái Bãi Lữ; du lịch vùng biển ở huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai. 

Cùng với chú trọng phát triển hiệu quả du lịch biển và ven biển, tỉnh Nghệ An cũng đẩy nhanh xây dựng, phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển theo hướng tiếp cận mô hình sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Cùng với đó, tỉnh nghiên cứu lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp để xây dựng hệ thống cảng Cửa Lò, cảng Đông Hồi... 

Nghệ An có bờ biển dài 82 km, với các địa phương ven biển là huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thị xã Cửa Lò và Thị xã Hoàng Mai. Kinh tế biển của tỉnh phát triển chủ yếu trên lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thủy sản; du lịch; dịch vụ cảng… 

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đơn cử, địa phương có nhiều tiềm năng du lịch ven biển, nhưng do hạn chế về vốn đầu tư, kinh nghiệm, kỹ năng làm du lịch nên một số khu du lịch ven biển của tỉnh chưa được đầu tư khai thác đúng mức, dẫn đến hiệu quả sử dụng không cao, lượng khách nội huyện, nội tỉnh đến chiếm tỷ lệ lớn. 

Trong khi đó, một số địa phương ven biển ở huyện Quỳnh Lưu, Thị xã Hoàng Mai có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm thì hiện nay đang trong tình trạng môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm; công nghệ, kỹ thuật nuôi lạc hậu; nghề khai thác thủy sản cũng đang gặp khó khăn do tỷ lệ tàu công suất nhỏ chiếm đa số.

Khắc phục tình trạng trên, hiện nay cùng với triển khai nhiều giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành kinh tế biển, tỉnh Nghệ An cũng đang nghiên cứu để tháo gỡ những khó khăn trong chính sách thuê đất, thuế… để thu hút hiệu quả các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các địa phương ven biển trong tỉnh.

Riêng việc thu hút đầu tư, tỉnh Nghệ An đang rà soát, nghiên cứu để sửa đổi các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phù hợp với tình hình thực tế, thực sự có lợi thế, hấp dẫn, thu hút đầu tư; tháo gỡ các nút thắt về chính sách đất đai như miễn tiền sử dụng đất, xây dựng bảng giá đất khu công nghiệp tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư.

Nguyễn Văn Nhật

TTXVN