Tuyên Quang: Ruộng bậc thang Hồng Thái
Cập nhật: 27/08/2021
Ruộng bậc thang mùa nước đổ, mùa lúa chín đã và đang là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của xã Hồng Thái (Na Hang), thu hút du khách xa gần tới tham quan, chiêm ngưỡng

Nguồn ảnh: Internet

Vào cuối tháng 3, những triền ruộng bậc thang Hồng Thái đầy ắp nước từ những khe lạch nhỏ trên núi cao đổ về, lung linh như những tấm gương phản chiếu, nối dài tới tận chân trời. Mùa lúa chín vào tháng 9, tháng 10, thời gian này, các cánh đồng lúa đồng loạt chuyển sang sắc vàng rực rỡ. Từng dải sóng vàng uốn lượn bên sườn núi đã làm mê hoặc không biết bao nhiêu người.

Nguồn ảnh: Internet

Với lịch sử gần hai trăm năm, toàn xã có tổng diện tích ruộng bậc thang trồng lúa là 82 ha, tập trung nhiều nhất tại các thôn: Khau Tràng 30 ha, Pắc Khoang 10 ha, Nà Mụ hơn 10 ha, đất phân bố suốt dọc con đường liên xã, quanh khu vực trung tâm xã Hồng Thái. Ruộng có khi nằm cheo leo trên lưng chừng núi, sát đường đi, có khi nối liền từ đỉnh núi xuống tận khe suối với độ cao hàng 100m. Những cánh đồng bậc thang nơi đây được đánh giá là một trong những danh thắng bậc thang vào loại đẹp nhất huyện, được đánh giá là một “công trình lao động sáng tạo vĩ đại” của người Dao Tiền. Đứng từ trên cao có thể quan sát được toàn cảnh những triền ruộng bậc thang mênh mông, nối dài ngút tầm mắt. Những thửa ruộng xếp tầng, xếp lớp trải rộng khắp các quả đồi, từ chân lên đến đỉnh, nối từ đồi này sang đồi khác tạo nên một vẻ đẹp diễm lệ như một thiên đường ẩn hiện trong mây.

Có một điều dễ cảm nhận được khi đến đây là dường như với bàn tay lao động và sự cần cù của mình người Dao Tiền có thể biến mọi loại địa hình đồi núi, tận dụng tất cả nơi có đất để làm ruộng bậc thang. Có những chỗ gần như cả một quả đồi là những thửa ruộng bậc thang nhỏ vài ba mét vuông, xung quanh là đá, nơi phải dùng cuốc cày, bừa rồi dẫn nước vào cấy. Ở những khu đồi thấp, độ dốc không lớn và có nhiều mặt bằng, chiều ngang thửa ruộng rộng hơn, có nơi lên đến hàng chục mét, nhưng đa phần ruộng của người Dao Tiền thường hẹp, chỉ vừa đủ một hoặc hai đường bừa. Cũng tùy vào địa hình mà độ dài ngắn của mỗi thửa ruộng cũng khác nhau, có những thửa dài chỉ độ 3- 4m lại có những thửa uốn lượn qua rất nhiều khúc cua, nối từ sườn đồi này sang sườn đồi khác. Độ cao của mỗi thửa ruộng cũng không cố định, thông thường khoảng cách giữa ruộng trên với ruộng dưới từ 1m - 2m. Bờ ruộng có độ rộng khoảng 20cm - 30cm, thông thường được đắp ở ngay mép ruộng, nhưng tại những khu ruộng có độ dốc lớn và kết cấu không chắc chắn hay bị sạt bờ, đồng bào phải lấy cuốc đào sâu vào chân ruộng rồi dùng đá kè chặt từ mặt ruộng dưới lên cao sát với mép ruộng sau đó lấy đất đắp lên trên kè đá làm bờ ruộng.

Các thửa ruộng bậc thang thường rất hẹp nhưng mỗi quả đồi thường có khoảng từ 10 đến 20 thửa ruộng, có nơi còn lên tới hơn 30 bậc, độ cao của mỗi thửa trung bình từ 1,5m - 2m. Do đặc điểm là núi cao, những khu ruộng lại được bao bọc bởi rừng cây, tại những điểm tiếp giáp giữa hai quả đồi thường là những khe nước chảy, đây chính là nơi cung cấp nguồn nước chủ yếu cho mùa vụ của đồng bào.

Từ bao đời nay, đồng bào Dao tiền ở xã Hồng Thái, bằng đôi tay khéo léo, cần cù đã khắc tạc giữa đất trời những kiệt tác ruộng bậc thang tựa như những bức tranh thiên nhiên kỳ thú, hữu tình.  Đây là điểm đến chắc chắn du khách có thể cảm nhận một cách trọn vẹn nhất phong cảnh thiên nhiên hữu tình cũng như cuộc sống của người dân tộc Dao Tiền.

Nguyễn Hải

Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Tuyên Quang