Gia Lai: Biến quả bầu khô thành sản phẩm du lịch
Cập nhật: 16/12/2021
Ngoài làm thức ăn, quả bầu còn được phơi khô dùng đựng nước, rượu, làm nhạc cụ và một số thứ khác gắn với đời sống văn hóa, sinh hoạt hàng ngày của người dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Với khả năng sáng tạo của mình, mới đây, các bạn sinh viên thuộc Câu lạc bộ Kỹ năng sống (Trường Cao đẳng Gia Lai) đã biến quả bầu khô thành sản phẩm du lịch.

Cô giáo Trịnh Thị Phượng-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kỹ năng sống-cho hay: “Xuất phát từ mong muốn có một sân chơi cho học sinh, sinh viên, Đoàn trường Cao đẳng Gia Lai đã định hướng xây dựng câu lạc bộ để các bạn sinh hoạt. Thông qua đó, học sinh, sinh viên có cơ hội trải nghiệm bản thân, thử nghiệm các ý tưởng khác nhau. Khi các bạn sinh viên người dân tộc thiểu số chia sẻ ý tưởng làm đẹp cho quả bầu khô để lên kế hoạch cho cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ V-2021”, chúng tôi đã rất thích thú và hỗ trợ bằng cách bắt tay chấp bút dự án Tấm handmade”.

Để triển khai dự án, các bạn sinh viên đã thảo luận ý tưởng và làm ra các sản phẩm độc đáo. Đó là những chiếc cặp tóc xinh xắn được may từ vải vụn xin từ các tiệm may, tận dụng đính thêm khuy, cườm để tạo ra những chiếc nơ xinh xắn. Các bạn học nghề may còn trổ tài thêu, móc những băng đô cài đầu, tất, mũ ấm để bán gây quỹ với giá 10 ngàn đồng hoặc bán combo đồ ấm 100 ngàn đồng đủ loại. Tuy nhiên, độc đáo hơn cả là những quả bầu khô được các bạn sáng tạo rất duyên dáng.

Sản phẩm của các bạn sinh viên thuộc Câu lạc bộ Kỹ năng sống. Ảnh: Minh Uyên

Quả bầu khô được các bạn khéo léo tạo hình cô Tấm, nàng Kiều hay 54 dân tộc anh em trên đất nước ta. Ngoài chất liệu chính là quả bầu khô thì các bạn sinh viên còn trang trí bằng những vật dụng rất ngộ nghĩnh như nón lá, khăn mỏ quạ, nón quai thao, váy búp bê, đàn bầu, đàn tính được làm từ đất sét Nhật và màu acrylic. Nhìn những quả bầu ngộ nghĩnh được tạo màu khéo léo, duyên dáng, tôi không thể tưởng tượng được sự thông minh, dí dỏm và đầy sáng tạo của các bạn trẻ. Cô Tấm với áo tứ thân, nón quai thao màu hồng, váy chính là màu đen nguyên bản của quả bầu khô. Cô búp bê ngộ nghĩnh bồng bềnh trong váy xòe màu xanh, đầu đội nơ hoa công chúa duyên dáng nghiêng đầu nhìn thích mắt. Những cô gái Tày, Dao xúng xính trong váy áo truyền thống. Những nét vẽ thổ cẩm trên trang phục của người Jrai, Bahnar với những chiếc gùi xinh được đắp bằng đất sét. Tất cả những sản phẩm đều dùng màu sáng, tươi vui, tạo hình ngộ nghĩnh khiến người xem không thể rời mắt. Theo các bạn sinh viên, mỗi sản phẩm quả bầu khô sau khi hoàn thiện được phơi nắng cho khô, vẽ màu acrylic sinh động có thể giữ màu được thời gian 10 năm.

Bạn Yang Đào-sinh viên Khoa Nghiệp vụ Du lịch-cho biết: “Khi được nghe cô Phượng chia sẻ ý tưởng làm đồ trang trí từ quả bầu, em rất hào hứng. Em cùng với các bạn mang quả bầu khô có sẵn ở nhà lên và bắt tay vào sơn, trang trí. Mọi người rất vui khi sản phẩm được đón nhận. Chúng em dự định bán với giá 100-150 ngàn đồng/quả”.

Chị Nguyễn Thị Việt Hà-Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Gia Lai-chia sẻ: “Các bạn đoàn viên, sinh viên người dân tộc thiểu số rất hào hứng với dự án này. Quả bầu khô là vật dụng quen thuộc trong đời sống của các bạn được trang trí làm sản phẩm du lịch, quà tặng phục vụ du khách khi đến Gia Lai. Trên hết, tất cả sản phẩm của Câu lạc bộ Kỹ năng sống đều hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường với mong muốn gây quỹ cho Câu lạc bộ hoạt động và có thể tạo thêm một phần thu nhập cho các thành viên. Tuy nhiên, bước đầu, những sản phẩm còn khó khăn về đầu ra vì nhóm chưa biết cách truyền thông, quảng bá sản phẩm dù vừa qua ý tưởng này đạt giải ba cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp lần thứ V-2021”.

Trong nhà sàn của người Jrai, Bahnar rất dễ bắt gặp hình ảnh quả bầu khô treo lủng lẳng trên nhà hoặc trong gùi, gác bếp. Những ý tưởng độc đáo của các bạn sinh viên sẽ góp phần nâng tầm giá trị cho quả bầu khô, biến vật dụng quen thuộc thành sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách.

Minh Uyên

Báo Gia Lai