Về miền Tây mùa nước nổi
Cập nhật: 03/10/2022
Miền Tây Nam Bộ với thế hệ chúng tôi là một vùng đất đầy thơ mộng và luôn khao khát được đặt chân tới, khi tuổi thơ đã từng đắm chìm trong những trang sách “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi. Cuối tuần vừa qua, tranh thủ không có tiết theo thời khóa biểu của cơ quan, tôi tranh thủ có chuyến công tác vào một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Với một giáo viên sử, khi có cơ hội đi công tác chính là một dịp đi học thông qua sự khám phá và trải nghiệm văn hóa vùng miền, để dạy sử hay hơn, thuyết phục hơn.

Tôi luôn có những ao ước, nếu khi có cơ hội đi du lịch các địa phương, vùng miền trên đất nước mình, đầu tiên là sẽ đến 3 khu vực với tên “Tây” của đất nước: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Bởi, tôi sẽ tìm thấy ở đó những nét độc đáo về văn hóa của đất và người mang đặc trưng của mỗi không gian địa lý, lịch sử, văn hóa.

Nghĩ về vùng đất phương Nam là nhớ đến miền đất của thiên nhiên ngút ngàn, ruộng đồng phì nhiêu, kênh rạch chằng chịt. Thiên nhiên trù phú đã ban tặng cho con người nơi đây có một cuộc sống sung túc được kế thừa những thành quả của bao lớp người đến khai phá từ những vùng đất hoang, cánh đồng hoang đầy lam sơn chướng khí “Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um”.

Khi nói đến quá trình khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi về phương Nam, chúng ta lại liên tưởng đến 2 câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ : “Từ thuở mang gươm đi mở nước/ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”.

Nếu như nói, mùa thu ở miền bắc người ta thường nghĩ tới về những hình ảnh của lá vàng rơi đầy thơ mộng, trầm buồn, thì miền tây đón mùa thu bằng mùa nước nổi tràn trề nhựa sống với những gam màu xanh mát, nảy nở của thiên nhiên, cảnh vật độ thu về.

Rất may mắn, chuyến công tác vào miền tây vừa rồi của tôi lại đúng vào dịp mùa nước nổi. Dân miền tây hay gọi mùa nước nổi bằng nhiều cách gọi như mùa nước lên, mùa nước lớn, mùa nước lũ... Hằng năm, cứ vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 âm lịch ( tức khoảng tháng 8 đến tháng 11 dương lịch), con nước từ thượng nguồn sông Mê Công lại đổ về đồng bằng sông Cửu Long tạo thành biển nước, từ An Giang, Đồng Tháp men theo kênh Vĩnh Tế về Kiên Giang - nơi cuối nguồn mùa nước nổi.

Điều thú vị khi miền bắc mùa này là mùa mưa bão, lũ lụt tàn phá mùa màng, của cải và đe dọa tính mạng nhân dân thì ở miền tây lại khác. Con nước về không ào ào như trận lũ. Nước dâng từ từ, đầy ắp những con sông rồi tràn qua bờ, ra ruộng. Dù đều là hiện tượng lũ lụt, nhưng người miền tây lại không coi đó là thiên tai.

Với họ, lũ về là mừng. Nước lớn, cá nhiều. Vào mùa nước nổi, cũng là lúc con người miền tây hối hả nhất. Họ coi mùa nước nổi là một mùa thay đổi phương thức canh tác và mưu sinh, thay vì canh tác nông nghiệp, họ chuyển sang khai thác những nguồn lợi dồi dào mà nguồn nước mang lại. Đây là thời điểm tất cả mọi thứ vùng này dường như sinh sôi, nảy nở trong mùa nước nổi.

Chỉ cần về chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ trong mùa nước nổi, sẽ thấy được sự nhộn nhịp và sôi động bởi thành quả thu hoạch được của nông dân miền tây sông nước.

Mùa nước nổi, là mùa cho đất đai vùng hạ lưu sông Mê Kông được nghỉ ngơi, rửa trôi và làm ngập chìm các nguồn sâu bệnh cho cây trồng và cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho đồng bằng sông Cửu Long.

Những hình ảnh con nước lên, cả cánh đồng mênh mông nước trong các bộ phim mà ngày xưa tôi đã từng xem như “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”, “Mùa nước nổi”, “Đất phương Nam”, “Mùa len trâu”...đã giúp tôi khi đến đây thấu hiểu tại sao đây chính là mùa nước giúp hồi sinh vùng đất này, mùa khai thác những sản vật từ nước mà thiên nhiên đã ban tặng.

Giữa mênh mông nước, cánh đồng xanh chứa đầy phù sa mang lại sức sống mới cho những cây sen, bông súng, cỏ năng, rừng tràm thêm xanh tốt. Đây cũng là mùa của những đàn chim bay về làm tổ, sinh sôi, nảy nở trên những rừng tràm, rừng đước. Những bông điên điển khoe sắc vàng ven sông, dọc kênh rạch được người dân hái vội để chế biến thành những món ăn làm nộm, xào, lẩu với cá linh. Những con cá lóc đồng tròn trắng bụng, cua đồng căng càng sẽ được chế biến thành bát canh chua với bông súng, bông lục bình, lá sen non, hẹ nước...

Mùa nước nổi, mùa của chèo ghe xuồng vào bờ, rung vài cái là bông điên điển rụng xuống. Người miền tây sẽ nhặt nhạnh lá, cọng để lượm bông hoa về làm rất nhiều món khoái khẩu. Theo mùa nước nổi, đặc sản cá linh lừng danh khắp Nam Bộ, món mắm cá linh vang danh khắp mọi miền.

Những chuyến ghe nhộn nhịp ngược xuôi chở đầy ắp cá, tôm, cua và những bông điên điển, bông súng được tấp nập đổ về chợ cá, chợ nổi đã tạo thành một nét văn hóa đặc trưng hấp dẫn du khách.

Mùa nước nổi bắt đầu bằng những dòng nước đỏ ngầu phù sa được đổ về từ Biển Hồ của Campuchia theo dòng Mê Kông đổ về hạ nguồn, được chia ra thành 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu.

Thời điểm này, những ngày nắng nóng đã qua và nước tràn về mênh mông trên đồng bằng sông Cửu Long. Nhà ngập, nước tràn, cánh đồng mênh mang nước, nhưng với người nông dân miền tây thì đó là sự nôn nao chờ đợi những món quà tặng của thiên nhiên để giúp họ cải thiện cuộc sống một nắng hai sương của mình.

Nông dân miền tây mùa nước nổi lấy thuyền làm nhà. Mọi sinh hoạt, ăn uống đều trên ghe thuyền với những bữa ăn đạm bạc, vội vàng để kịp theo những con nước mưu sinh. Ngư cụ đánh bắt cá mùa nước nổi là đáy, vó, quăng chài, giăng câu, thả lưới. Có những khu chợ chỉ họp mùa nước nổi. Những đặc sản mà thiên nhiên ban tặng được bán các chợ cá là cá, tôm, lươn, rắn, chim, chuột, cò, sen, súng, bông điên điển...

Cái may mắn của tôi, một giáo viên lịch sử là được vào miền tây vào đúng mùa nước nổi, để cảm nhận bằng mắt nhìn, tai nghe những nét đặc sắc, bù đắp thêm những thực tế. Các đồng nghiệp môn Sử miền sông nước nơi đây đã tiếp đón tôi với phong cách cởi mở, phóng khoáng, mộc mạc, chân thành như nghĩa tình của những người bạn ghe miền sông nước. Tất cả những món ăn mà bạn bè đãi tôi đều từ những sản vật của mùa nước nổi.

Đến miền tây mùa nước nổi, nơi đầy ắp những nỗi nhớ, niềm thương cho tôi và những du khách khi xa nó với những bữa cơm ấm tình đồng nghiệp trong tiếng xàng xê vọng cổ. Giữa mênh mông sông nước mỗi sáng mai, chỉ cần ngồi trên 1 chiếc ghe nào đó là có thể thưởng thức bữa ăn sáng đậm đà hương vị miền tây với 1 tô hủ tiếu thơm cay, bún riêu cua nóng hổi hay miếng bánh lá dừa ngọt bùi cùng 1 ly cà-phê đen sẽ lưu giữ trong ta cái hương vị mộc mạc, chân quê của mùa nước nổi.

Bởi cái đặc thù của địa lý mà con nước trở thành niềm thương, nỗi nhớ trong đời sống của người dân “sống chung với lũ” và cũng trù phú bởi lũ. Mùa nước nổi đọng lại lớp phù sa cho đất và đọng lại trong lòng người những miền nhớ...những ngày trông con nước nổi. Mùa nước nổi, cũng là mùa mong đợi.

Rời miền tây mùa nước nổi, chia tay với các đồng nghiệp môn sử miền sông nước trong một chuyến đi khám phá và trải nghiệm đầy bổ ích, tôi vẫn thoảng nghe đâu đó âm thanh của những điệu hò Đồng Tháp, vọng nghe đâu đây giai điệu quen thuộc của bài hát “Bài ca đất phương Nam” khi tôi đi trên bến phà Sa Đéc : “Nhắn ai đi về, miền đất phương Nam. Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long Giang...”.

Trần Trung Hiếu

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 02/10/2022