Thác Đắk G’lun hùng vĩ giữa núi rừng Đắk Nông
Cập nhật: 09/01/2023
Được ví như nàng tiên giữa núi rừng, ở độ cao 52m, thác Đắk G’lun, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) gồm hai dòng nước lớn đổ một góc 90 độ từ đỉnh thác xuống những tảng đá phủ đầy rêu xanh giống như mái tóc mượt mà của nàng tiên khoe sắc giữa chốn rừng xanh, núi thẳm.  

Tên gọi thác Đắk Glun bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian của người M’nông bản địa. Người M’nông gọi thác này là Leng Rlu (Leng nghĩa là thác đá, thác nước, Rlu có nghĩa là nghỉ ngơi; Leng Rlu có ý nghĩa là nơi nghỉ ngơi); tuy nhiên xưa nay bà con vẫn quen gọi là thác Đắk Glun, theo tên dòng suối đổ xuống thác.

Thác có chiều rộng khoảng 15m, độ dốc khoảng 90 độ. Nước bắt nguồn từ một dòng suối nhỏ gặp ghềnh rồi đổ xuống bên dưới từ độ cao hơn 50m. Nơi đây được bao bọc bởi hơn 1.000ha rừng đặc dụng nên hệ sinh thái ở thác rất đa dạng và phong phú. Bên dưới chân thác là những khối đá to và bằng phẳng, nằm chất chồng lên nhau như những tấm thảm. Mỗi đợt mưa lớn qua đi, dòng nước từ trên cao đổ xuống ầm ầm. Dưới chân thác tạo thành một hồ nước nhỏ, những tảng đá nằm ngổn ngang làm cho dòng nước len lỏi chảy tiếp, tạo nên một dòng suối nhỏ hơn, róc rách chảy quanh năm, mang đến vẻ đẹp hết sức bình yên, trong trẻo.

Thác Đắk Glun ẩn mình giữa đại ngàn sâu thẳm. Ảnh: Xuân Nguyễn

Người dân địa phương cho biết, ngày xưa khi núi rừng còn âm u, rậm rạp, từ bon này sang bon khác phải đi mấy ngày đường mới đến. Khu vực thác Đắk Glun hiện nay thuộc bon Bu Nơr của người M’nông. Bon có khoảng vài chục hộ sinh sống gần thác nước lớn ngày đêm đổ nước ầm ầm trắng xóa cả một vùng. Từ thác Đắk G’lun, du khách có thể đến buôn J’riêng để trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương, thưởng thức tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã, trầm hùng từ các nghệ nhân M’nông.

Bảo Ngọc

TCĐT Thiên nhiên và Môi trường - thiennhienmoitruong.vn - Đăng ngày 21/12/2022