Hoành Sơn Quan bao giờ mới có “danh phận”?
Cập nhật: 13/09/2023
Hoành Sơn Quan vốn là một địa danh lịch sử nổi tiếng, thế nhưng bây giờ di tích này đang xuống cấp, nằm hiu hắt trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Hoành Sơn Quan đang chờ một cái “bắt tay lịch sử” của hai địa phương để đổi thay “thân phận” bị bỏ rơi của mình.

Hoành Sơn Quan xứng đáng là một điểm tham quan nổi tiếng

Rực rỡ một huyền thoại

Nằm trên địa phận Đèo Ngang giữa ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình bây giờ, Hoành Sơn Quan được mệnh danh là cổng trời, sánh ngang với “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” là đèo Hải Vân trên con đường thiên lý Bắc - Nam hàng trăm năm qua. Đây cũng là một danh thắng nổi tiếng từ xưa, khi bà Huyện Thanh Quan “Bước tới Đèo Ngang…” để lại bài thơ bất hủ.

Theo sử sách ghi lại, Hoành Sơn Quan được xây dựng năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), cửa ải được xây trên núi, xung quanh được xây dựng bằng đá núi, phía trước có mở một cửa, bên tả bên hữu có tường ngăn, có trại lính. Cửa ải Hoành Sơn Quan ngày xưa là một điểm quan trọng trấn giữ con đường thiên lý Bắc - Nam với cổng Hoành Sơn có chiều cao hơn 4m, được khởi công từ triều Minh Mạng thứ 14. Hoành Sơn Quan trước đây mỗi bên có 1.000 bậc thang đá để dân chúng leo lên và leo xuống theo triền núi để qua đèo. Hoành Sơn Quan được xây dựng để kiểm soát việc qua lại nơi đây.

Một góc Hoành Sơn Quan nhìn từ trên cao

Gần 200 năm qua, sau thời gian dài trơ gan cùng tuế nguyệt, Hoành Sơn Quan vẫn giữ được những nét cổ kính đậm chất truyền thống với những cửa ải bằng đá được xây dựng trên núi. Cửa Hoành Sơn ở phía Nam hiện nay chỉ còn lại dấu tích, không còn bậc đá. Riêng cửa phía Bắc vẫn còn vài trăm bậc đá. Hoành Sơn Quan giờ đây tuy không nguyên vẹn nhưng vẫn uy nghi, phong trần như một chứng tích hùng hồn về những thăng trầm lịch sử và trở thành một địa danh có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử và danh thắng của nước Việt.

“Dùng dằng” di tích

Đèo Ngang xưa gieo vào lòng người những dấu ấn ân tình sâu nặng. Ngày nay, Đèo Ngang - Hoành Sơn Quan trở thành quần thể di tích - danh thắng đầy tiềm năng phát triển du lịch - văn hóa. Đứng trên Hoành Sơn Quan nhìn ra biển phía Đông sẽ thấy Đảo Yến, Hòn La ở phía Quảng Bình với những ghềnh đá nhấp nhô dưới sóng biển. Gần đó là bãi biển Vũng Chùa cát trắng mịn màng nhẹ nhàng gợn sóng trong vịnh bởi được Đảo Yến che chắn. Còn nhìn về phía Bắc là vùng đất Hà Tĩnh sóng bạc biển xanh.

Nhưng đáng buồn thay, di tích này đang “bị bỏ rơi” khi chưa được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và cũng chưa được đầu tư, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị xứng đáng.

Hoành Sơn Quan nếu không được trùng tu, bảo vệ sẽ nhanh chóng xuống cấp, trở thành phế tích

Từ ngày hầm Đèo Ngang được xây dựng, ít người đi lại trên con đường thiên lý này. Mỗi lần đến đây, nhiều người không khỏi nuối tiếc vì chứng kiến di tích ngày càng bị xâm hại, xuống cấp nghiêm trọng. Nằm trong hệ thống di tích nhưng dấu tích thành cổ chỉ còn là tường thành hoang phế, chẳng ai bảo vệ, chăm sóc nên xung quanh cây cỏ mọc um tùm. Nhiều hạng mục có nguy cơ trở thành phế tích. Mặt sau Hoành Sơn Quan chi chít những hình vẽ, chữ viết, chữ ký trông nhem nhuốc và biến dạng vì bị bôi bẩn.

Điều đáng buồn ấy lại đến từ việc quản lý của địa phương chỉ bởi cách phân chia địa giới. Hoành Sơn Quan được cả Quảng Bình lẫn Hà Tĩnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa thuộc địa phương mình vào năm 2002 và 2005. Hai tỉnh này cũng đều đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Hoành Sơn Quan là Di tích quốc gia nhưng chưa được chấp nhận bởi tranh chấp. Phía bên Hà Tĩnh thì cho rằng, xét theo địa giới thì khu vực di tích này thuộc về Hà Tĩnh. Nhưng Quảng Bình không chịu và cho rằng trong sử sách và văn hóa bao năm qua đều công nhận công trình này của Quảng Bình. Bị “bỏ rơi” đầy nghịch lý như thế, nên Hoành Sơn Quan chẳng được bên nào quan tâm bảo vệ, bảo tồn và đầu tư, phát huy xứng tầm di tích.

Cửa ải Hoành Sơn Quan xưa được xây dựng vào đời vua Minh Mạng thứ 14 đầu thế kỷ 18

Cơ quan chức năng 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp nhằm “hòa giải” chuyện tranh chấp nhưng không tỉnh nào đồng thuận. Hai địa phương cứ giằng co và di tích cứ dùng dằng một nỗi buồn như thế mấy mươi năm qua. Và rồi địa danh này như lặp lại một định mệnh khi tiếp tục bị chia làm hai, phía Bắc thì Hà Tĩnh quản lý, còn phía Nam thuộc Quảng Bình.

Việc cần làm là 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình ngồi lại để thống nhất phương án xây dựng hồ sơ đề nghị cấp trên xếp hạng cấp quốc gia cho di tích. Khi di tích được công nhận thì việc giao cho địa phương nào quản lý không còn là vấn đề “đau đầu” vì hai bên vẫn có thể cùng khai thác di tích. Hoành Sơn Quan đang rất mong chờ có “danh phận” để được trùng tu, bảo vệ, phát huy giá trị của di sản.

Tiêu Dao

Báo Dân tộc và phát triển - baodantoc.vn - Đăng ngày 11/9/2023