Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Quảng Bình đã triển khai nhiều dự án, hoạt động tích cực. Bước đầu, tỉnh thu được kết quả khả quan trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên đia bàn để phát triển kinh tế, xã hội, ổn định cuộc sống…
Quảng Bình đã tập trung vào việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển cộng đồng; tập huyến, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; xây dựng các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian. Tỉnh xây dựng các tủ sách cộng đồng và mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa dân gian nhằm nâng cao mức thụ hưởng cho đồng bào dân tộc; chống xuống cấp các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào. Các đơn vị chức năng tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nét văn hóa truyền thống tiêu biểu đến đông đảo người dân trong nước, du khách quốc tế để kết nối phát triển du lịch, khai thác bản sắc văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc, tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo.
Làng du lịch Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN
Trong năm 2022 và 10 tháng của năm nay, Quảng Bình đã đầu tư nhiều dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch với tổng số vốn lên đến gần 20 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là dự án hỗ trợ đầu tư thiết chế văn hóa, thể thao tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa. Tỉnh xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu ở bản Đá Còi, xã Ngân Thuỷ và khu Động Châu-Khe Nước Trong, xã Kinh Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ; xây dựng câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Trường Sơn, Quảng Ninh...
Ở Quảng Bình đã bước đầu bước đầu hình thành sản phẩm, tour du lịch gắn với khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Có thể kể đến sản phẩm khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều; khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời-Bãi Đạn ở xã Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ) và xã Trường Sơn, huyện Quảng Nình, do Công ty TNHH Thông tin và Du lịch Netin-Netin Travel khai thác. Sản phẩm trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa do Công ty TNHH Oxalis Holiday tổ chức; Dự án du lịch suối nước nóng Bang Onsen Quảng Bình do Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư; Khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa làng Tân Hóa do cộng đồng dân cư và Công ty Oxalis triển khai, thực hiện…
Dù còn có nhiều khó khăn, nhất là về vốn đầu tư nhưng Quảng Bình vẫn ưu tiên, đặt ra nhiều mục tiêu trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Tỉnh coi đây là một phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Mạnh Thành