Hòa Bình phát triển nghề dệt thổ cẩm thành sản phẩm du lịch
Cập nhật: 18/10/2012
Nghề dệt thổ cẩm ở xã Chiềng Châu (huyện Mai Châu) đã có từ lâu đời. Từ khi du lịch phát triển, nhu cầu tiêu dùng hàng thủ công bằng chất liệu thổ cẩm ngày càng lớn, đã trở thành đòn bẩy để đồng bào dân tộc Thái ở Chiềng Châu đẩy mạnh sản xuất mặt hàng này.

Năm 2009, Hợp tác xã (HTX) thổ cẩm Chiềng Châu được thành lập, với tổng số vốn đầu tư trên 200 triệu đồng, chủ yếu đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc. Sau hơn 3 năm thành lập, đến nay, HTX đang ngày càng phát triển, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 200 lao động địa phương với thu nhập ổn định.

Ông Mạc Văn Phang - Chủ nhiệm HTX, cho biết: Sản phẩm thổ cẩm được khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng. Mẫu mã có thể thay đổi nhưng sản phẩm phải luôn được làm từ sợi bông tự nhiên, nhuộm màu tự nhiên. Do quy trình sản xuất thổ cẩm hoàn toàn thủ công nên giá cao hơn so với các sản phẩm cùng mẫu mã sản xuất công nghiệp.

Với phương châm vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa truyền nghề, hơn 50% thành viên HTX là người Thái được hướng dẫn và thực hành các kỹ thuật khó như gảy hoa văn, kéo sợi lên khung. Đặc biệt, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) cũng chọn Chiềng Châu là một trong những điểm để đầu tư phát triển nghề dệt thổ cẩm kết hợp giữa bản sắc dân tộc và phát triển theo hướng công nghiệp hóa.

Không chỉ gắn kết sản phẩm truyền thống với các điểm du lịch, Chiềng Châu còn đưa sản phẩm vào quảng bá tiêu thụ trên 70 nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh để làm quà lưu niệm, trang trí, làm khăn trải giường, túi đựng chìa khóa…

Báo Công Thương