Phát huy giá trị các di sản văn hóa để phát triển du lịch Hà Nội
Cập nhật: 20/04/2013
(TITC) - Trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2013 (VITM), chiều ngày 18/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã phối hợp Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức hội thảo “Phát huy giá trị các di sản văn hóa để phát triển du lịch Hà Nội”.


Toàn cảnh hội thảo

Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng TCDL; ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDLVN); ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch HHDLVN, Trưởng ban tổ chức VITM 2013; bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; ông Ando Katsuhiro, chuyên gia du lịch của Tổ chức JICA (Nhật Bản) tại Việt Nam; đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, TCDL, Sở VHTTDL một số tỉnh, thành phố và các cơ quan thông tấn báo chí…

Ông Mai Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết, Thủ đô Hà Nội có lịch sử cả nghìn năm là kinh đô của quốc gia, vì vậy Thăng Long – Hà Nội hiển nhiên sở hữu một kho báu di sản văn hóa rất lớn và đặc sắc. Hà Nội hiện có số lượng di tích lịch sử nhiều nhất của cả nước, với 5.316 di tích (trong đó có khoảng 1.151 di tích đã được xếp hạng cấp Quốc gia, 929 di tích cấp thành phố). Di tích Hà Nội đa dạng về chủng loại, phong phú về loại hình; tiêu biểu như khu di tích Thành cổ, Khu di tích Cổ Loa, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám…, đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa Thế giới”. Bên cạnh đó các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội còn có thể thấy ở mọi lúc, mọi nơi như hệ thống các bảo tàng, lễ hội truyền thống, làng nghề…

Trong những năm vừa qua, Hà Nội đã phát huy các giá trị di sản văn hóa để phục vụ phát triển du lịch. Nhiều địa danh văn hóa đã trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, nhiều hoạt động văn hóa đã không thể thiếu trong các chương trình du lịch của thủ đô. Những cái tên như Phố cổ, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự, Bát Tràng, Vạn Phúc, Đường Lâm, Rối nước, phở, nem, chả cá… đã làm cho sản phẩm du lịch của Hà Nội ngày càng phong phú, đa dạng và có bản sắc riêng. Tuy nhiên, việc phát huy các giá trị văn hóa chưa thực sự tương xứng với tiềm năng thế mạnh của Hà Nội. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như nguyên nhân về cơ chế chính sách, nguyên nhân về nhận thức và hành động, nguyên nhân về sự phối hợp liên ngành và hợp tác công-tư… Nhiều nguyên nhân đã được đưa ra thảo luận tại buổi hội thảo này.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe 8 báo cáo tham luận và nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của các chuyên gia trong nước và quốc tế về lĩnh vực văn hóa, du lịch nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch. Cụ thể như các tham luận “Kinh nghiệm bảo tồn và khai thác các giá trị di sản văn hóa thế giới của Nhật Bản phục vụ phát triển du lịch” của ông Ando Katsuhiro – chuyên gia du lịch của tổ chức JICA (Nhật Bản) tại Việt Nam; “Phát triển du lịch văn hóa trong chiến lược và qui hoạch phát triển du lịch Việt Nam” của TS. Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch; “Phát triển sản phẩm du lịch Hà Nội dựa trên giá trị di sản văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến” của PGS. TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia; “Kinh nghiệm khai thác các di sản văn hóa của Thừa Thiên - Huế để phát triển du lịch” của ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thừa Thiên – Huế,…


Bà Katherine Muller Marin phát biểu tại hội thảo

Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khuyến nghị rằng thách thức cần ưu tiên giải quyết đối với Hà Nội hiện nay là đảm bảo sự cân bằng mang tính bền vững giữa lịch sử và di sản của thành phố, giữa sức ép hiện đại hóa và nhu cầu của người dân, giữa một “mái nhà” của người dân và sự trải nghiệm của hàng triệu lượt du khách đến đây mỗi năm.

Phát biểu tổng kết và bế mạc tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Quang Long, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội đã cảm ơn, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp quí báu của các đại biểu để Hà Nội phát huy tốt hơn nữa giá trị của các di sản văn hóa phục vụ cho việc phát triển du lịch trong thời gian tới. Đồng thời cho biết, “Qui hoạch Phát triển Du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt với định hướng phát triển xuyên suốt của ngành du lịch Thủ đô sẽ là phát triển du lịch văn hóa dựa trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa nghìn năm văn hiến, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng chủ đạo, từ đó phát triển các loại hình du lịch khác như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí…

Thế Phi