Thăm “thủ đô gió ngàn”
Cập nhật: 13/03/2007
Vui sao một sáng tháng nămĐường về Việt Bắc lên thăm Bác HồSuối dài xanh mướt nương ngôBốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn...(Tố Hữu - Sáng tháng năm, 1951)

Vậy “thủ đô gió ngàn” nằm ở đâu trong chiến khu Việt Bắc? Nhiều năm trước tôi vẫn nghĩ là ở Tân Trào. Bởi lẽ Tân Trào, theo lời Tố Hữu, là “quê hương cách mạng dựng nên cộng hòa”. Gần đây, qua bốn chuyến về nguồn, thăm ATK (an toàn khu) thời chống Pháp, tôi mới vỡ lẽ ra chốn “suối dài xanh mướt nương ngô” mà Tố Hữu miêu tả trong thơ là ở Định Hóa.

Qua cuốn Nhật ký của một bộ trưởng (NXB Đà Nẵng, 1995), ông Mai Văn Hiến cho biết: hạ tuần tháng 2/1947, sau chuyến Chủ tịch Hồ Chí Minh đi khảo sát Thanh Hóa trở về, Chính phủ mới quyết định chọn vùng trung tâm Việt Bắc làm ATK. Đây là một vùng đất rộng xung quanh dãy núi Hồng, gồm các huyện Định Hóa (Thái Nguyên), Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang) và Chợ Đồn (Bắc Kạn).

Ngày 4/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Sơn Tây qua đò Trung Hà sang đất Phú Thọ trên đường lên ATK. Cùng đi với Bác chỉ có tám cán bộ được Bác đặt tên là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Đồng chí Vũ Kỳ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định, cựu bí thư Trung ương Đoàn Tạ Quang Chiến... là những người nằm trong số đó, giúp Bác đủ mọi thứ việc, từ văn thư, cảnh vệ đến liên lạc, cấp dưỡng...

Sau một thời gian ngắn dừng chân tại làng Xảo, huyện Sơn Dương, ngày 29/5/1947 Bác đến xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Lán ở và làm việc của Bác dựng trên ngọn đồi Khau Tý, thôn Nà Tra. Ít lâu sau, Bác chuyển sang thôn Tỉn Keo, rồi thôn Khuôn Tát, xã Phú Đình.

Tại đây lán của Bác nằm khuất giữa cánh rừng nứa rậm rì, kín đáo hơn, từ trên máy bay cũng như từ bốn phía xung quanh đều không trông thấy. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... cũng dọn đến ở và làm việc gần Bác.

Sở dĩ Định Hóa được chọn làm “thủ đô xanh” - hay còn gọi là “thủ đô gió ngàn” - trong những năm chống Pháp bởi trước hết đây là vùng núi non hiểm trở, quân Pháp khó sử dụng xe cơ giới đánh chiếm. Nhưng ta thì lại có thể dùng mạng lưới đường mòn xuyên rừng và đường ngựa thồ chằng chịt để liên lạc với vùng Tây Bắc, trung du và đồng bằng VN, cũng như với các cơ sở bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở miền Hoa Nam lúc bấy giờ còn thuộc quyền kiểm soát của Tưởng Giới Thạch. Định Hóa không quá xa miền xuôi như vùng căn cứ Pắc Bó (Cao Bằng), tiện cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ kịp thời chỉ đạo cuộc kháng chiến trong cả nước.

Trong tám năm kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ thay đổi chỗ ở nhiều lần quanh vùng Phú Đình (Định Hóa) và Tân Trào (Sơn Dương). Tuy thuộc hai tỉnh khác nhau, hai xã này rất gần nhau vì nằm hai bên ngọn đèo De qua núi Hồng - “Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng”. Bác Hồ nhiều lần cưỡi ngựa qua lại ngọn đèo này:

Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ khi Người bước lên đèo
Người đi rừng núi trông theo bóng Người... (Tố Hữu)

Trong cuốn Những năm tháng bên Bác (NXB Công An Nhân Dân, 1985), tác giả Hoàng Hữu Kháng kể: “Chúng tôi làm cho Bác một cái “lầu”, tầng trên để Bác ngủ và làm việc ban đêm, tầng dưới làm việc ban ngày, như vậy tránh được thú dữ và không khí núi rừng ẩm thấp. Gọi là “lầu” nhưng thật ra nó bé lắm. Bác giao hẹn: Chiều cao có thể giơ tay với được, còn chiều ngang thì đưa tay sang phải, sang trái đều chạm đến, để tiện lấy các vật dụng treo trên vách. Bác bảo làm như vậy đỡ tốn công sức, dễ giữ bí mật. Trên sàn chỉ cần một chiếc bàn con để Bác ngồi làm việc, xem sách báo là đủ”.

Cái “lầu” mà đồng chí Kháng kể chính là ngôi nhà sàn ở Khuôn Tát, Định Hóa.

Qua cuốn Chiến đấu trong vòng vây (NXB Quân Đội Nhân Dân, 1995), Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho ta biết thêm: Bữa cơm của Chủ tịch nước lúc bấy giờ “phần lớn là sắn do cơ quan tăng gia, gạo chỉ loáng thoáng. Thức ăn duy nhất là măng rừng chấm muối”. Những hôm có khách, nếu săn thú trong rừng, câu cá ngoài suối chẳng được gì, thì Chủ tịch tiếp khách bằng “món đặc biệt trong ống tre, món thịt lợn thái nhỏ trộn với rất nhiều muối và ớt mà Chủ tịch thường dùng trên đường công tác”.

Nhiều quyết định có ý nghĩa lịch sử như quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ đã diễn ra tại Định Hóa. Và 60 năm đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn Định Hóa làm thủ đô của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều người trong nước cũng như một số khách du khảo nước ngoài muốn tìm hiểu một thời hào hùng trong lịch sử VN thế kỷ 20, Tổng cục Du lịch quyết định coi năm 2007 là Năm du lịch Thái Nguyên, thăm “thủ đô gió ngàn”. Hệ thống các sản phẩm du lịch, các nhà nghỉ, khách sạn cũng như đội ngũ hướng dẫn viên và tiếp viên đều đã sẵn sàng vào mùa xuân 2007 này.

Mới đây, trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp coi Định Hóa, Thái Nguyên là một khu du lịch lịch sử - văn hóa quan trọng bậc nhất mà mọi người không nên bỏ qua.
Tuổi trẻ Cuối tuần