Bình Dương xây dựng thương hiệu 'Vườn cây ăn trái Lái Thiêu'
Cập nhật: 09/05/2013
(TITC) - Nhằm xây dựng lại thương hiệu “Vườn cây ăn trái Lái Thiêu” một thời gắn liền với vùng đất Lái Thiêu - Thuận An, từ ngày 8 - 12/6/2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp với UBND thị xã Thuận An tổ chức lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín năm 2013” với chủ đề “Giao lưu cùng phát triển” tại xã Hưng Định, thị xã Thuận An và các địa điểm khác thuộc khu vực vườn cây ăn trái Lái Thiêu.

Hội chợ có quy mô trên 100 gian hàng được chia thành nhiều khu vực, trong đó, điểm nhấn là khu triển lãm và bán các loại trái cây nổi tiếng của khu vực Cầu Ngang - Lái Thiêu và các huyện, thành phố có các loại trái cây ngon trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đồng thời cũng là nơi hội tụ các loại trái cây đặc trưng của các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ như: măng cụt (Lái Thiêu); bưởi Biên Hòa, chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai); nhãn xuồng cơm vàng (Bà Rịa - Vũng Tàu); mãng cầu Bà Đen (Tây Ninh); mãng cầu Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh); thơm Bến Lức (Long An); sầu riêng Ngũ Hiệp, sơri Gò Công, thanh long Chợ Gạo, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, nhãn tiêu da bò (Tiền Giang); bưởi da xanh Mỹ Thạnh An, dừa (Bến Tre); quýt  đường, dừa sáp Cầu Kè (Trà Vinh); bưởi Năm Roi Bình Minh; cam mật (Cần Thơ); nho (Ninh Thuận); thanh long ruột đỏ (Bình Thuận)…

Nguồn ảnh: internet

Ngoài ra, còn có khu hội chợ thương mại với khoảng 50 gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao; khu trưng bày các sản phẩm làng nghề và các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu như: sản phẩm sơn mài của làng sơn mài Tương Bình Hiệp; gốm sứ vùng Thuận An, Tân Uyên, Minh Long; điêu khắc gỗ Phú Thọ; heo đất Lái Thiêu…; khu ẩm thực bày bán các món ăn đặc trưng của vùng và các món ăn được chế biến từ trái cây như: gỏi măng cụt, gỏi bưởi, nem Lái Thiêu, nước ép trái cây, các loại chè, bánh bèo bì Bình Dương…; khu trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao như: bịt mắt đập heo đất, bịt mắt ăn trái cây, nhảy bao bố, nhảy sạp, ô ăn quan, đi cà kheo,…; khu vực bán các loại giống cây trồng tốt nhất được đem về từ nhiều vùng khác nhau trong khu vực phía Nam.

Bên cạnh đó, trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc cũng được tổ chức như: hội thi “Hương Sắc miệt vườn”, hội thi “Đờn ca tài tử”, hội thi “tạo hình nghệ thuật từ trái cây” và các chương trình ca múa nhạc.

Trong khuôn khổ lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương còn phối hợp với trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Lái Thiêu” nhằm tìm giải pháp thu hút khách tham quan du lịch sinh thái vườn cây Lái Thiêu; đồng thời học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động du lịch tại vườn cây ăn trái của các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Vườn cây ăn trái Lái Thiêu trải dài trên địa bàn các xã An Sơn, Hưng Định, An Thạnh, Bình Nhâm (thị xã Thuận An) với diện tích trên 1.230 ha. Từ hàng trăm năm nay, Lái Thiêu đã nổi tiếng là một vườn cây trái lớn và trở thành điểm du lịch xanh thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Đến vườn Lái Thiêu vào tháng 5 đến tháng 8 hàng năm - mùa trái cây chín rộ, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành của vườn cây trải dài tít tắp và thưởng thức hương vị của nhiều loại trái cây đặc sắc.

Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín năm 2013” là cơ hội để các chủ nhà vườn, các doanh nghiệp giao lưu, tìm hiểu, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch sinh thái miệt vườn. Đây cũng là dịp để Bình Dương giới thiệu với các tỉnh, thành trong nước cũng như khách nước ngoài về mảnh đất và con người Bình Dương thân thiện, mến khách. Hy vọng, Lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín năm 2013” sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, đồng thời cũng là nền tảng cho việc xây dựng những sản phẩm du lịch khác mang tính đặc trưng của du lịch Bình Dương trong tương lai.

Phạm Phương