Tương truyền, lễ hội có từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên, lúc này nhà Hán xâm lược nước Nam Việt của Triệu Đà, triều đình nhà Triệu tan rã, Thừa tướng nước Triệu là Lữ Gia lui quân về vùng núi Hải Lựu huyện Lập Thạch để tổ chức đánh giặc. Sau mỗi trận thắng, Lữ Gia lại cho tổ chức chọi trâu để động viên quân sĩ, trâu sau khi chọi được giết để khao quân. Lữ Gia mất, dân làng Hải Lựu tôn vinh thờ làm Thành hoàng của làng và Lễ hội Chọi Trâu cũng bắt đầu có từ đó.
Theo phong tục, hội được tổ chức ngày 17 tháng giêng (âm lịch). Trước ngày lễ hội xã Hải Lựu cử một đoàn người lên tế lễ tại Đền Hùng. Đêm trước lễ hội là lễ tế Thành Hoàng làng, cả xã đêm ấy như không ngủ, sau lễ tế Tổ trang nghiêm cả làng uống rượu, ca hát, cùng bàn chuyện làm ăn trong năm mới, cùng chuẩn bị cho trâu vào xới chọi ngày mai.
Trâu chọi phải là những con khỏe được chọn lọc kỹ và nuôi dưỡng thật chu đáo. Làng phân công cho bốn giáp, giáp to nuôi sáu con, giáp nhỏ nuôi từ hai đến bốn con sao cho đủ 16. Các giáp phải cắt cử trai đinh khoẻ mạnh chăm sóc từng con trâu cẩn thận từ miếng ăn nước uống sạch sẽ. Gần đến ngày hội, trâu chọi được nhốt chuồng riêng và ăn riêng thức ăn tinh khiết hợp khẩu vị. Người nuôi trâu cũng phải ngủ riêng và luôn túc trực gần con trâu mình nuôi để tiện chăm sóc tắm rửa. Trước khi vào cuộc, con trâu nào cũng được uống rượu và dắt đến trước bàn thờ cho gật đầu ba cái làm lễ Thánh.
Những chú trâu ở đây, khi xung trận bao giờ cũng đấu nhau bằng lối đối mặt dùng sừng và sức khoẻ để chọn thế võ tấn công đối phương, dù thắng hay thua không bao giờ trâu tấn công nhau từ phía sau lưng hay mạng sườn.
Do chiến tranh chống Pháp và một số lý do mà từ năm 1947 hội chọi Trâu Hải Lựu không được tổ chức. Sau 45 năm gián đoạn, đến năm 2002 lễ hội được khôi phục. Hội chọi trâu Hải Lựu là một trong những lễ hội văn hoá dân gian cổ xưa còn lưu giữ được dáng vẻ nguyên sơ.