Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ sau khi định đô ở Thăng Long đã chọn đỉnh núi Long Đỗ (rốn rồng) để xây dựng chính điện của kinh đô mang tên Càn Nguyên. Đây là nơi tiến hành các nghi lễ long trọng nhất của triều đình. Năm 1029, Vua Lý Thái Tông cho xây dựng trên nền cũ của điện Càn Nguyên tòa chính điện mang tên Thiên An. Đến năm 1428, Vua Lê Thái Tổ cho dựng điện Kính Thiên trên nền cũ điện Thiên An và đây được coi là một trong những kiệt tác của kiến trúc An Nam.
Thời nhà Nguyễn, khi kinh đô được chuyển vào Huế, điện Kính Thiên được đổi thành hành cung Kính Thiên - nơi đón các vua quan nhà Nguyễn tuần du ra Bắc. Năm 1886, sau khi đánh chiếm thành Hà Nội, người Pháp đã phá hủy hành cung Kính Thiên, chỉ để lại duy nhất 2 thềm rồng đá (phía trước và sau) đồng thời cho xây dựng trên nền hành cung tòa nhà gồm 2 tầng, 7 phòng làm sở chỉ huy pháo binh Pháp. Ngôi nhà được gọi là nhà con rồng (Long Trì) do phía trước và sau nhà đều có rồng đá chầu. Từ năm 1954, khi bộ đội tiếp quản giải phóng Thủ đô, nhà con rồng trở thành tổng hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Hiện nay, nhà con rồng là di tích lịch sử cách mạng, thường xuyên mở cửa đón du khách đến tham quan.
Hai thềm rồng đá của điện Kính Thiên là một di sản kiến trúc nghệ thuật tuyệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc thời Hậu Lê. Thềm rồng phía trước (phía nam) gồm 9 bậc, mỗi bậc cao 20cm, rộng 40cm, dài 13,6m. Thềm rồng được chia làm ba lối lên xuống đều nhau bởi đôi rồng đá được xây dựng năm 1467 (đời Vua Lê Thánh Tông). Mình rồng tròn, có vẩy, thân uốn khúc nhịp nhàng và chạy dài theo 9 bậc thang. Đầu rồng vươn cao, miệng ngậm ngọc, mũi nở, mắt lồi, tai lớn kiểu tai trâu, sừng đơn vươn dài ra phía sau và áp sát thân rồng. Lưng rồng có đường vây dài nhấp nhô như vân mây, tia lửa. Thềm rồng có hai lan can cách điệu hình mây hóa rồng ở hai bên. Đây là hai tảng đá nguyên khối dày 36 – 39cm, dài 5,3m. Mặt trong và ngoài của lan can khắc chìm các hoa văn, họa tiết.
Thềm rồng phía sau (phía bắc) có quy mô nhỏ hơn thềm phía trước, bao gồm 7 bậc thang. Thềm chỉ có một lối lên xuống với đôi rồng đá dài 3,4m ở hai bên, có niên đại thế kỷ 17 – 18 (thời Lê Trung Hưng). Mình rồng uốn 7 khúc, có vẩy, miệng có răng nanh ngậm ngọc, mũi tròn, trán cao, tai trâu, sừng dài có nhánh, râu hình đao mác, chân có 5 móng. Lưng rồng cũng có đường vây dài nhấp nhô.
Bốn con rồng ở điện Kính Thiên đều được chạm trổ bằng đá xanh và đã phần nào phản ánh được quy mô hoành tráng của điện Kính Thiên xưa.