(TITC) - Dự án xây dựng cầu Long Biên được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thông qua vào năm 1897 nhằm mục đích nâng cao cơ sở hạ tầng cần thiết cho công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Năm 1898, công ty Daydé & Pille của Pháp đã trúng thầu thiết kế và thi công cầu. Việc khởi công xây dựng cầu được tiến hành vào năm 1899 và hoàn thành vào năm 1902, lấy tên là cầu Doumer theo tên của Toàn quyền Đông Dương. Đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương thời đó và được người Pháp ca ngợi là “cây cầu nối liền hai thế kỷ”. Cầu gồm đoạn bắc qua sông dài 2.290m với 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40m (cả móng) và 896m đường dẫn lên cầu xây bằng đá. Thiết kế cầu có đường sắt cho xe lửa chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe thô sơ và người đi bộ. Đường dành cho người đi bộ hai bên cầu là nơi dạo mát, vãn cảnh sông Hồng đẹp nhất Hà Nội thời đó.
Sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954), cầu được đổi tên thành Long Biên. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975), quân đội Việt Nam đã xây dựng hai trận địa pháo phòng không trên bãi giữa sông Hồng và sử dụng các điểm cao trên thành cầu làm ụ pháo cao xạ bắn phá máy bay Mỹ. Các nhịp cầu bị máy bay Mỹ ném bom đánh hỏng được thay thế bằng các dầm bán vĩnh cửu, có khẩu độ ngắn đặt trên các trụ mới để đảm bảo giao thông qua cầu không bị gián đoạn. Năm 2002, cầu Long Biên được sửa chữa, gia cố lại.
Hiện nay, cầu chỉ dành cho xe lửa, xe máy, xe đạp và người đi bộ. Điểm đặc biệt ở cầu Long Biên là hướng đi của các phương tiện nằm bên trái cầu, trái ngược với luồng giao thông ở Việt Nam. Ở đầu cầu Long Biên vẫn còn gắn tấm biển kim loại khắc thời gian xây dựng cầu và tên nhà thầu thi công.
Khánh Hòa