Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Làng gốm Chu Đậu

Vị trí: xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 70km về phía đông

Đặc điểm: là một trong những cái nôi của nghề gốm Việt Nam 

(TITC) - Làng gốm Chu Đậu được hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 14 và phát triển rực rỡ vào thế kỷ 15, 16. Sau đó, do chiến tranh loạn lạc nên nghề gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền. Năm 2001, gốm cổ Chu Đậu được nghiên cứu, phục hồi lại chất men, kỹ thuật sản xuất, kiểu dáng sản phẩm, từ đó, làng nghề gốm Chu Đậu dần hồi sinh và phát triển như hiện nay.  

Nguyên liệu để làm gốm Chu Đậu là đất sét trắng được lấy từ vùng Trúc Thôn (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Đất sét sau khi lấy về sẽ được hòa trong nước, sau đó lọc qua hệ thống máng dẫn và bể ngắn. Quá trình lắng lọc sẽ tạo ra hai hợp chất gồm lỏng và nhuyễn, thêm chất phụ gia rồi phối luyện thành hồ gốm. Gốm được lắng lọc càng lâu thì màu gốm càng bóng, đẹp và trong. Đất sau khi được luyện kỹ, đạt độ dẻo, mịn cần thiết sẽ được người thợ chuốt nặn trên bàn xoay. Sản phẩm gốm Chu Đậu từ xưa đến nay, từ khâu nặn, đúc đến trang trí hoa văn đều được làm thủ công với đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của những nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm. Điều này khiến cho gốm Chu Đậu không thể lẫn với các loại gốm khác.

Một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt, trong đó chủ yếu là hình ảnh hoa sen, hoa cúc, chim Lạc Việt. Đặc biệt, hoa văn trên gốm Chu Đậu được trang trí theo phương pháp vẽ dưới men, tức là trang trí hoa văn trước rồi tráng men sau. Men gốm Chu Đậu được làm từ vỏ trấu, đa phần là men trắng trong, hoa lam, men lục, xanh nâu, tam thái.

Hiện gốm Chu Đậu chủ yếu được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với 3 dòng sản phẩm chính là hàng phục chế theo các mẫu gốm cổ, hàng gia dụng và hàng xuất khẩu. Trong đó nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là bình gốm hoa lam (còn gọi là bình củ tỏi) và bình tỳ bà. Ngoài ra, những sản phẩm khác như: bình cúp Ngũ Hành, ấm rượu Rồng, hũ Hổ Phù… cũng là những sản phẩm làm nên thương hiệu gốm Chu Đậu. Sản phẩm của làng gốm Chu Đậu được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời được trưng bày tại 46 bảo tàng của 32 nước trong khu vực và trên thế giới.

Cùng với việc khôi phục nghề gốm cổ, những năm gần đây, các doanh nghiệp và người dân ở Chu Đậu đã bắt đầu chú trọng phát triển du lịch làng nghề với nhiều hoạt động phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách như: xây dựng các gian trưng bày rộng hàng nghìn m2 để giới thiệu các sản phẩm phục chế các mẫu gốm cổ hay không gian vườn gốm thư pháp, nhà thờ Tổ gốm... Đến với Chu Đậu, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên thanh bình, yên ả của làng quê đồng bằng châu thổ sông Hồng mà còn có dịp tìm hiểu nghệ thuật làm gốm cổ xưa, trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất, tạo dáng, vẽ, viết chữ, ký tên lên sản phẩm để làm kỷ niệm.  

Năm 1980, ông Makato Anabuki, nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, trong một chuyến công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trông thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Takapisaray (Thủ đô Istanbul). Trên bình có ghi dòng chữ Hán: "Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi thị hý bút", tạm dịch là "Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi". Tỏ ra thích thú với tác phẩm nghệ thuật độc đáo này, ông Makato Anabuki đã viết thư nhờ ông Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (nay là 2 tỉnh Hưng Yên và Hải Dương) thời bấy giờ xác minh xem chiếc bình gốm quý giá đó có xuất xứ từ làng gốm nào. Điều này đã giúp các cơ quan chức năng thúc đẩy việc điền dã, sưu tầm những dấu vết về làng gốm cổ tại khu vực Nam Sách. Tháng 4/1986, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Dương (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương) tiến hành khai quật di tích gốm cổ Chu Đậu. Từ đó đến nay, qua 8 lần khai quật ở tầng sâu 2m trên diện tích 70 nghìn m2 tại xã Thái Tân và xã Minh Tân (huyện Nam Sách), các nhà khảo cổ đã phát hiện được rất nhiều hiện vật gốm cổ cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất được khẳng định là của làng gốm Chu Đậu. Sau này, sản phẩm gốm cổ Chu Đậu còn được tìm thấy trên hai con tàu bị đắm ở vùng biển Pandanan (Philippines) và Cù lao Chàm (Quảng Nam) vào năm 1993 và 1997. Hơn 340 nghìn hiện vật gốm Chu Đậu đã được trục vớt, trong đó có khoảng 240 nghìn hiện vật còn nguyên vẹn, chứng tỏ gốm Chu Đậu đã được xuất cảng rộng rãi thời bấy giờ.

Phạm Phương

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM