(TITC) - Dinh thự họ Vương là khu biệt thự cổ của Vương Chính Đức, người duy nhất được đồng bào dân tộc Hà Giang suy tôn là vua Mèo vào đầu thế kỷ 20, cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn.
Được xây dựng vào năm 1919, hoàn thành năm 1928, toàn bộ dinh thự có diện tích gần 3.000m2, nằm trên một khu đất nổi cao như hình mai rùa giữa thung lũng, xung quanh là một dải núi hình vòng cung, tạo nên địa thế phòng thủ kiên cố. Dinh được bao bọc bởi hai bức tường thành xây bằng đá, dày khoảng 60cm đến gần 1m, cao từ 2,5 đến 3m. Cả hai vòng thành đều bố trí nhiều lỗ châu mai.
Đoạn đường dẫn vào dinh thự dốc thoai thoải, được lát bằng những phiến đá hoa cương vuông vức, bằng phẳng. Hai bên lối vào là hai hàng cây sa mộc hàng trăm năm tuổi cao vút, thẳng tắp. Bước lên 15 bậc đá vào trong dinh, ngay cổng đầu tiên du khách sẽ thấy tấm hoành phi sơn son, thếp vàng đề chữ “Biên chinh khả phong” (“Chính quyền biên cương này mạnh”) được vua Nguyễn ban phong cho Vương Chính Đức. Vào bên trong, khu dinh thự thu hút du khách bởi kiến trúc độc đáo, có sự ảnh hưởng của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, Pháp và dân tộc Mông Việt Nam.
Được dựng bằng đá xanh, gỗ thông, gỗ pơmu và "ngòi" đất nung, toàn bộ khu dinh thự dài 56m, rộng 20m, cao 10 - 12m, gồm 4 nhà ngang và 6 nhà dọc, đều có kết cấu 2 tầng với 64 phòng dành cho 100 phòng ở. Dinh thự được chia làm 3 khu là tiền dinh, trung dinh và hậu dinh. Tiền dinh là nơi ở của quân lính và người giúp việc, còn trung dinh và hậu dinh là nơi sinh hoạt và làm việc của dòng dõi nhà họ Vương. Tường nhà được xây bằng đá, trong ốp ván, cột kèo gỗ, sàn lát gỗ, mái ngói máng, có hàng hiên lợp ngói ống trang trí hoa văn chữ Thọ. Bố cục khu nhà thấp dần từ ngoài vào trong. Ngôi nhà chính quay mặt ra phía cổng, và còn có các ngôi nhà phụ như: bếp, bể nước, nhà kho và chuồng ngựa... Giữa các dãy nhà là một khoảng sân rộng đầy ánh sáng. Bao quanh khu nhà là vườn cây với nhiều loại cây như sa mộc, quế, đào, lê… Dinh còn có 2 lô cốt để phòng thủ, có kho cất giữ tài sản...
Một trong những nét đặc sắc của dinh thự là nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, nhiều chi tiết được chạm khắc cầu kì, khéo léo mang các biểu tượng thể hiện sự phồn vinh, hưng thịnh.
Năm 1993, dinh thự họ Vương đã được nhà nước công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Phạm Phương