Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lăng Gia Long (Thiên Thọ Lăng)

Vị trí: Lăng Gia Long nằm trong dãy núi Thiên Thọ, thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm Tp. Huế 16km.
Đặc điểm: Lăng Gia Long là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến. Kiến trúc lăng có vẻ đơn sơ nhưng hoành tráng.

Ðến thăm lăng Gia Long, du khách có thể đi thuyền theo sông Hương khoảng 18km rồi cập bến lăng, hoặc đi theo đường bộ chừng 16km, xuống bến đò Kim Ngọc, đi thêm vài cây số nữa thì tới.

Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn, nhỏ, trong đó có Ðại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này.

Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất. Từ bờ sông Hương đi vào lăng có con đường rộng, hai bên trồng thông và sầu đông cao vút, xanh um, tạo ra một không khí trong mát, tĩnh mịch. Hai cột trụ biểu uy nghi nằm ở ngoài cùng, báo hiệu khu vực lăng.

Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng, rộng lớn. Trước có ngọn Ðại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu án. Bên trái có 14 ngọn núi làm "tả thanh long" và bên phải có 14 ngọn làm “hữu bạch hổ”. Tổng thể lăng được chia làm 3 khu vực:

Chính giữa là lăng mộ vua và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Qua khỏi sân chầu có các hàng tượng đá uy nghiêm và bảy cấp sân tế là Bửu Thánh ở đỉnh đồi. Trong Bửu Thánh có 2 ngôi mộ đá được sáng tác theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” biểu tượng cho hạnh phúc và thuỷ chung.

Bên phải là khu tẩm điện mà điện Minh Thành là trung tâm nơi thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất. Trước đây trong điện Minh Thành có thờ nhiều kỷ vật gắn bó với cuộc đời chinh chiến của Gia Long.

Bên trái khu lăng là Bi Đình, nay chỉ còn tấm bia lớn ghi bài “Thánh Ðức Thần Công” của vua Minh Mạng soạn, ca ngợi vua cha được chạm khắc tinh tế, sắc sảo.

Ngoài ra còn có các lăng phụ cận trong khu vực này như lăng Quang Hưng (bà vợ thứ hai của chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần), lăng Vĩnh Mậu (vợ chúa Ngãi vương Nguyễn Phúc Trăn); lăng Toại Thánh (vợ thứ hai của Nguyễn Phúc Luân và là thân mẫu của Gia Long),...lăng Thiên Thọ Hữu của bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, thân mẫu của vua Minh Mạng, bên cạnh có điện Gia Thành dùng để thờ.

Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt vời giữa thiên nhiên và kiến trúc đã tạo nên nét hùng vĩ hoành tráng của cảnh quan.

Tiểu sử vua Gia Long:
 

Nguyễn Phúc Ánh, tên húy là Chủng, sinh năm Nhâm (1762), con thứ ba của Nguyễn Luân. Năm 1773, Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Phúc Ánh 12 tuổi, theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam. Mùa thu năm Ðinh Dậu (1777) Nguyễn Phúc Thuần tử trận, Nguyễn Phúc Ánh một mình chạy thoát ra đảo Thổ Chu, rồi sau chạy sang ẩn náu nhờ bên đất Xiêm.

 

Tháng 7/1792, vua Quang Trung mất, con là Quang Toản còn ít tuổi, Nguyễn Ánh tổ chức tấn công và đến tháng 7/1802, Nguyễn Ánh diệt xong nhà Tây Sơn lên ngôi hoàng đế, niên hiệu là Gia Long đóng đô tại thành Phú Xuân (Huế) và đặt tên nước là Việt Nam.

Lần đầu Gia Long quản lý một nước Việt Nam thống nhất từ Bắc chí Nam, từ Lạng Sơn đến Hà Tiên, Gia Long chia cả nước làm 23 trấn, 4 doanh. Từ Ninh Bình trở ra gọi là Bắc thành gồm 11 trấn (5 nội trấn và 6 ngoại trấn); từ Bình Thuận trở vào gọi là Gia Ðịnh thành gồm 5 trấn; ở quãng giữa là các trấn độc lập: Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Nghĩa, Bình Ðịnh, Phú Yên, Bình Hoà, Bình Thuận, đất kinh kỳ đặt 4 doanh: Trực Lệ Quảng Ðức Doanh (tức Thừa Thiên), Quảng Trị doanh, Quảng Bình doanh, Quảng Nam doanh.

Ðể tránh lộng quyền, Gia Long không đặt chức Tể tướng, triều đình chỉ có 6 bộ: Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công do các thượng thư đứng đầu và có tả hữu tham tri, tả hữu thị lang giúp việc. Ở trong cung, không lập ngôi Hoàng hậu, chỉ có Hoàng Phi và các cung tần.

Năm 1815, bộ “Quốc triều hình luật” gồm 22 quyển với 398 điều luật đã được ban hành.

 

Ngày Ðinh Mùi tháng 12 năm Kỷ Mão (1819), Gia Long mất, thọ 59 tuổi, ở ngôi chúa 25 năm, ở ngôi vua 17 năm.

 

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM