Tiềm năng du lịch vùng Việt Bắc
Cập nhật: 26/09/2013
(TITC) - Nằm ở phía đông bắc của Việt Nam, trải rộng trên địa bàn 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang, Việt Bắc là miền đất hùng vĩ, được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp.
Với truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng, nơi ghi dấu bao chiến công anh hùng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Bắc thường được gọi bằng một cái tên thân mật là Thủ đô kháng chiến, Thủ đô gió ngàn. Đi từ đông sang tây, du khách sẽ có dịp khám phá những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hóa đặc sắc của các tỉnh thuộc khu vực Việt Bắc.

Núi Tô Thị - Hòn Vọng Phu (Lạng Sơn)

Lạng Sơn với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ cùng nhiều danh thắng, di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng và khảo cổ học, tiêu biểu như: núi Mẫu Sơn; núi Tô Thị; hang Gió; quần thể 3 hang động Nhị Thanh, Tam Thanh, động Tiên; chùa Tam Thanh, chùa Tiên, đền Kỳ Cùng; chợ Kỳ Lừa; Ải Chi Lăng; Thành Nhà Mạc; căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn; di tích khảo cổ khu vực Mẫu Sơn…

Động Nhị Thanh

Trong số các điểm du lịch tiêu biểu ở Lạng Sơn, di tích khảo cổ khu vực Mẫu Sơn vừa chính thức được Bộ VHTTDL công nhận là di tích khảo cổ cấp quốc gia. Đây là di tích liên quan đến quá trình sinh sống của cư dân vùng Mẫu Sơn ở những giai đoạn lịch sử khác nhau.

Do địa hình chủ yếu là đồi núi thấp và nằm ở biên giới phía bắc nên Lạng Sơn vừa chịu sự chi phối của yếu tố hoàn lưu lại vừa bị biến dạng bởi yếu tố địa hình: mùa đông thịnh hành gió Bắc, mùa nóng thịnh hành gió Nam và Đông Nam.

Du khách lên đỉnh Mẫu Sơn ngắm tuyết rơi

Vì lý do này nên thời tiết ở Lạng Sơn rất lạnh vào mùa đông, nhất là ở khu vực đỉnh Mẫu Sơn với nhiệt độ trung bình hàng năm 13ºC (nhiều điểm tại đây thường xuyên xuống âm độ, xuất hiện băng giá và có tuyết rơi). Với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng, khí hậu khác biệt, cụm di tích tâm linh (đền chùa) cộng với có cửa khẩu quốc tế, trung tâm buôn bán sầm uất, đã khiến Lạng Sơn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đông du khách.

Nằm về phía bắc Lạng Sơn, giáp với Trung Quốc, Cao Bằng được biết đến là nơi cội nguồn cách mạng, nơi vinh dự thay mặt cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước. Điểm ghi dấu sự kiện này chính là di tích Pác Bó vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Đến thăm di tích Pác Bó, du khách sẽ không khỏi bồi hồi xúc động khi tận mắt ngắm nhìn hang Cốc Bó - nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi từ nước ngoài trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; núi Các Mác; suối Lê Nin...

Thác Bản Giốc

Cao Bằng còn nổi tiếng là nơi có nhiều danh thắng kỳ vĩ như: thác Bản Giốc – thác nước lớn thứ tư trên thế giới trong số các thác nước đẹp nằm trên biên giới giữa các quốc gia và là thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á; động Ngườm Ngao - hang động kỳ thú dài gần 2km với nhiều nhũ đá đẹp lung linh, huyền ảo nằm cách thác Bản Giốc khoảng 3km; hồ Thang Hen - hồ nước nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt biển; khu vực Phja Đén – Phja Oắc nằm ở độ cao 1.931m so với mặt nước biển với thảm thực vật phong phú và còn lưu giữ một số kiến trúc Pháp như: khu nhà nghỉ mát cuối tuần của người Pháp (Tài Soỏng), khu nhà Đỏ (Tatsloom)…

Đi về phía nam tỉnh Cao Bằng, du khách sẽ đến với tỉnh Bắc Kạn – nơi có phong cảnh thiên nhiên vô cùng thơ mộng, tiêu biểu như: sông Năng, hồ Ba Bể - hồ nước đã được Hội nghị các hồ nước ngọt thế giới công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ vào năm 1995, Ban thư ký công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1938 của thế giới và thứ 3 của Việt Nam vào năm 2011, Bộ VHTTDL xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012; Vườn quốc gia Ba Bể - Vườn quốc gia được UNESCO công nhận là Vườn di sản ASEAN vào năm 2004… Đến thăm hồ Ba Bể vào những ngày đầu tháng giêng âm lịch, du khách sẽ có dịp tham dự lễ hội xuân hồ Ba Bể với những hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như: hội đua thuyền độc mộc, các trò chơi dân gian truyền thống; tận hưởng dịch vụ homestay tại bản Pác Ngòi, bản Nam Mẫu và thưởng thức hương vị đặc sản ẩm thực vùng hồ… 


Bắc Kạn cũng là vùng đất có truyền thống cách mạng đấu tranh kiên cường. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Bắc Kạn là một cái nôi của cách mạng Việt Nam. Hiện ở đây còn lưu giữ rất nhiều di tích cách mạng như: khu di tích lịch sử Nà Tu; Địa điểm chiến thắng Đèo Giàng, ATK Bắc Kạn…

Từ Bắc Kạn, đi qua những rừng cọ, đồi chè xanh bạt ngàn là du khách đã đặt chân đến địa phận tỉnh Thái Nguyên với điểm đến đầu tiên là Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa (huyện Định Hóa). Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã sống và làm việc từ năm 1947 - 1954 để lãnh đạo cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.



Từ đây đi về phía nam sẽ sang huyện Đại Từ, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, trong đó phải kể đến danh thắng hồ Núi Cốc mang đậm màu sắc huyền thoại nàng Công - chàng Cốc. Đến với hồ Núi Cốc vào những ngày hè nóng bức, du khách sẽ có dịp đắm mình trong không gian khoáng đạt, cảnh đẹp như gấm hoa và hiểu thêm về huyền thoại đầy chất thơ của sông Công, núi Cốc để thấy được sức mạnh dời non lấp biển, khai sơn, phá thạch và sức sáng tạo vô tận của con người.


Ngoài hai điểm du lịch trên, Thái Nguyên còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác, tập trung ở huyện Võ Nhai như: núi Phượng Hoàng, hang Phượng Hoàng (trên núi Phượng Hoàng), hang Suối Mỏ Gà (nằm dưới chân núi Phượng Hoàng). Ba điểm du lịch này tạo thành một quần thể thắng cảnh đẹp vào bậc nhất của tỉnh Thái Nguyên, nằm cách thành phố Thái Nguyên 45km theo quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn).

Nằm ở phía tây hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, Tuyên Quang là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng bất khuất. Dấu tích tiêu biểu minh chứng cho điều này là Khu di tích lịch sử Tân Trào (huyện Sơn Dương) - căn cứ địa của cách mạng Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, với các di tích chính như: đình Tân Trào - nơi họp Quốc dân Đại hội ngày 16/8/1945; đình Hồng Thái - nơi đón tiếp các đại biểu về dự đại hội; cây đa Tân Trào - nơi Việt Nam Giải phóng quân đã làm lễ xuất quân trước sự chứng kiến của nhân dân Tân Trào và 60 đại biểu. Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó hành quân về giải phóng Hà Nội; lán Nà Lừa – nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 6 - 8/1945.



Ngoài ra, Tuyên Quang còn nổi tiếng bởi có nhiều điểm du lịch đẹp như khu du lịch sinh thái Nà Hang, suối khoáng nóng Mỹ Lâm và văn hóa ẩm thực phong phú với các đặc sản như: bánh cuốn cà cuống, bánh gai Chiêm Hóa, cam sành Hàm Yên, các món ăn từ măng, thịt trâu gác bếp và rượu ngô Na Hang…

Là tỉnh nằm ở phía tây bắc của vùng Việt Bắc và là nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có địa hình khá phức tạp với nhiều núi cao, vực sâu. Tuy nhiên, chính đặc điểm địa hình phức tạp này đã khiến cho Hà Giang mang vẻ đẹp hấp dẫn, độc đáo. Nổi bật trong đó là cột cờ Lũng Cú nằm ở đỉnh Lũng Cú với lá cờ Tổ quốc sao vàng 5 cánh khẳng định chủ quyền lãnh thổ kiêu hãnh bay trong gió; Cao nguyên đá Đồng Văn - vùng đá vôi đặc biệt chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất, đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) của UNESCO công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu…



Nơi đây còn quyến rũ du khách bởi những phiên chợ vùng cao đầy sắc màu văn hóa như: chợ tình Khau Vai, chợ vùng cao Đồng Văn…

Bên cạnh các danh lam thắng cảnh đẹp, di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng nổi tiếng, vùng Việt Bắc còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa phi vật thể có giá trị như: Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo, Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô, chữ viết của người Dao; nghệ thuật hát Then - đàn Tính của dân tộc Tày, lời ca giao duyên lượn coi và lượn lương của dân tộc Tày - Nùng… Tất cả đã tác động lớn đến đời sống văn hoá tinh thần của người dân trong vùng và đã hình thành nên một miền di sản phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc và trở thành thế mạnh để phát triển kinh tế du lịch dưới nhiều hình thức khác nhau. 

Dựa trên những nét tương đồng về tự nhiên, văn hóa, lịch sử, 6 tỉnh Việt Bắc đã hợp tác, liên kết với nhau và với các địa phương khác nhằm tạo ra những tour, tuyến mới, lạ, thu hút du khách. Bên cạnh đó, với cơ chế chính sách của các cơ quan chức năng trong hợp tác phát triển sản phẩm du lịch liên vùng, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương và hợp tác trong tuyên truyền, quảng bá - xúc tiến du lịch, xây dựng ấn phẩm quảng bá chung, xây dựng đường giao thông nối liền các tuyến du lịch liên vùng… chắc chắn sẽ thúc đẩy du lịch Việt Bắc ngày càng phát triển


Thanh Hải
Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Lạng Sơn