“Rước trăng chơi phố”: Giữ nét văn hóa của ông cha
Cập nhật: 25/09/2015
Các hoạt động tại Lễ hội Trung thu 2015 với chủ đề “Rước trăng chơi phố” tại Bảo tàng Hà Nội (Đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhằm giữ được nét văn hóa của ông cha để lại để cho con cháu về sau biết và bảo vệ được nét văn hóa ấy.

Trước thực trạng mỗi mùa trung thu về, các em nhỏ lại háo hức với những món đồ chơi không rõ xuất xứ, đã có không ít cảnh báo về sự mai một nét văn hoá truyền thống của dân tộc. “Rước Trăng chơi phố” - Lễ hội Trung Thu 2015 lần đầu tiên được Bảo tàng Hà Nội và Nhóm “Đình Làng Việt” phối hợp tổ chức với mong muốn mang đến một không gian Trung Thu đậm bản sắc dân tộc. Từ tâm huyết của những người đi trước về lễ hội Trung thu, ngày tết đặc biệt của các em thiếu nhi. Chương trình sẽ diễn ra vào các ngày 20 và 26/9/2015 tại Bảo tàng Hà Nội với nhiều điểm nhấn thú vị. Dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, các em nhỏ tham gia chương trình sẽ được trải nghiệm không khí náo nức của lễ hội trung thu qua việc chuẩn bị làm đồ chơi truyền thống như đèn kéo quân; đèn ông sao, tiến sỹ giấy, mặt nạ giấy bồi, làm đầu sư tử, tò he, làm bánh nướng, bánh dẻo…

Ngoài ra các em nhỏ còn được nghe các nhà nghiên cứu nói chuyện về lịch sử, ý nghĩa của các đồ chơi dân gian dành trẻ em của Việt Nam và được các họa sỹ hướng dẫn cách vẽ mặt nạ, tạo hình những khuôn mặt có những màu sắc, chứa đựng cảm xúc khác nhau. Đặc biệt, từ 19h00 đến 23h00 ngày 26/9/2015 tại không gian mở của Bảo tàng Hà Nội với những màn trình diễn thú vị, hứa hẹn thu hút các em nhỏ như: Đánh trống khai hội; Múa sư tử, rước đèn ông sao; Các trò chơi dân gian như: chơi pháo đất, nặn tò he, bắt trạch trong chum, nhảy bao bố, chơi tàu thủy, chơi đi cà kheo… Bên cạnh đó còn có các chương trình xiếc, ca nhạc tạp kỹ, thi kể chuyện, thi đốt hạt bưởi… Với tâm huyết của các tình nguyện viện, Bảo tàng Hà Nội cùng nhóm họa sỹ Đình Làng Việt, không gian Lễ hội sẽ giúp các em nhỏ trở về Trung Thu truyền thống với mâm cỗ trông trăng. Đèn lồng ngũ sắc bằng vải kích thước lớn được trang trí tạo cho không gian Lễ hội Trung Thu lung linh đậm chất dân tộc, đoàn viên, ấm cúng chung cho các gia đình. Tham gia lễ hội, ngoài mâm cỗ lớn được BTC chuẩn bị, các em nhỏ sẽ có phần "góp cỗ trông trăng" với hoạt động chia sẻ những sản vật trung thu của mình như bánh, kẹo, trái cây, đồ chơi đến góp vào mâm cỗ chung. Trải nghiệm những nét văn hoá truyền thống Chia sẻ về chương trình, ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết: “Lễ hội trung thu “Rước trăng chơi phố” được tổ chức với mong muốn mang đến cho các em thanh niên nhi đồng một đêm rằm Trung Thu truyền thống theo đúng phong tục cổ truyền. Với việc cố gắng tái hiện lại không gian Trung Thu xưa sẽ giúp các em có những trải nghiệm thú vị, trở thành ký ức tốt đẹp cho các em về lễ hội gắn liền với tuổi thơ. “Chúng tôi hy vọng sẽ đưa hoạt động này trở thành sự kiện thường niên cho thanh thiếu niên và nhi đồng Thủ đô về một trung thu truyền thống Việt Nam đúng nghĩa”, ông Đà nhấn mạnh. Ngay trong ngày đầu tiên khai mạc (20/9), Lễ hội Trung thu 2015 “Rước trăng chơi phố” đã thu hút sự tham gia của đông đảo các em thiếu nhi. Em Nguyễn Tiến Dũng (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Em đến đây thấy các trò chơi ở đây rất bổ ích, giúp em hiểu được các trò dân gian truyền thống. Nhiều trò chơi và hoạt động bổ ích giúp em hiểu thêm về cội nguồn và các truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.

Tại không gian nhiều màu sắc của lễ hội trung thu truyền thống, nhóm Đình làng Việt và các nghệ nhân dân gian đã thực hiện làm chiếc đèn kéo quân với chiều cao 2m mang những hình quân bóng được thể hiện từ các hình người, tiên từ chạm khắc đình làng vùng châu thổ Bắc Bộ. Nghệ nhân làm đèn kéo quân Nguyễn Văn Quyền, 77 tuổi, ở thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, Hà Nội chia sẻ: “Tham gia chương trình tại Bảo tàng, chúng tôi muốn truyền lại phương pháp làm các trò chơi này cho thế hệ sau nó khỏi mai một. Tất cả các trò chơi dân gian như đèn kéo quân, đèn ông sao, rồi thuyền nước.., những cái đó là nét văn hóa đặc sắc của cha ông để lại nếu nó mai một đi thì văn hóa Việt Nam sẽ mất đi một phần. Chúng tôi muốn giữ được nét văn hóa của ông cha để lại để cho con cháu về sau biết và bảo vệ được nét văn hóa ấy”. Theo chương trình, tối 26/9 (tức 14/8 âm lịch) tại không gian mở của Bảo tàng Hà Nội, Lễ hội “Rước Trăng chơi phố” sẽ diễn ra nhiều hoạt động thú vị, đưa các em thiếu nhi trở về với cội nguồn dân tộc trong không khí Trung thu rộn ràng, đầm ấm.

Cinet