Tái hiện lễ Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế
Cập nhật: 11/01/2010
Vừa qua, tại núi Bân (phường An Tây, thành phố Huế), UBND thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức lễ tái hiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế. Đây là chương trình văn hóa văn nghệ mở đầu cho chương trình lễ hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2010, khởi động Festival Huế 2010 và chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Lễ tái hiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế diễn ra trong vòng 60 phút; không gian của quảng trường núi Bân cũng được chia làm 3 khu vực tương ứng với 3 phần chính của lễ, gồm: nghi lễ tế cáo trời đất, lễ đăng quang và lễ xuất quân của Hoàng đế Quang Trung đi đánh quân Mãn Thanh. Đây được xem là một trong những lễ hội lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên với sự tham gia của 1.480 diễn viên, nhạc công... Chương trình do nghệ sĩ Nguyễn Quốc Hưng làm tổng đạo diễn và sân khấu chính là ngay phía trước tượng đài Quang Trung vừa mới hoàn thành.

Từ lối vào bên cánh trái khu tưởng niệm ở tầng 2, Nguyễn Huệ ngồi trên thớt voi đầu tiên tiến vào khu vực tượng đài . Theo sau là nữ tướng Bùi Thị Xuân ngồi trên thớt voi thứ hai và đoàn tùy tùng, hộ giá đi hai bên. Đến những bậc cấp đầu tiên dẫn tới khu tưởng niệm, Nguyễn Huệ bước xuống voi, cùng đoàn hộ giá đi lên chân tượng đài nơi có nhà Bát giác. Tại đây, lễ đăng quang được tiến hành. Mở đầu là một hồi trống đại nhạc báo hiệu lễ đăng quang bắt đầu. Sau thông tán xướng “Lời tuyên cáo” là trống trận rền vang, ba quân tướng sĩ giương cao vũ khí, hò reo mừng, Nguyễn Huệ giơ cao nắm tay lên trời hưởng ứng cùng ba quân tướng sĩ. Quan văn cầm “Chiếu lên ngôi” đọc dõng dạc trước ba quân tướng sĩ, với nội dung: (....) Trẫm là kẻ áo vải ở Tây Sơn, không có một tấc đất, vẫn không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ghét loạn lạc, mong có vị minh chủ cứu đời, yên dân cho nên tập hợp nghĩa quân, xông pha chông gai, giúp đỡ Hoàng đại huynh rong ruổi binh mã, dựng nước ở cõi Tây, dẹp Xiêm La, Chân Lạp ở phía Nam, hạ thành Phú Xuân, lấy thành Thăng Long. Bản tâm chỉ muốn quét sạch loạn lạc, cứu dân nơi nước lửa, rồi trả nước cho họ Lê, trả đất cho Đại huynh, ung dung áo gấm hài thêu, ngắm cảnh yên vui trong trời đất (...).

Vừa đây, tướng sĩ văn võ thần liêu trong ngoài đều muốn trẫm định vị hiệu để thu phục lòng người, dâng biểu khuyên mời đến hai ba lần. Trẫm nghĩ, nghiệp lớn rất trọng, ngôi trời khó khăn, trẫm thực tình lo không gánh vác nổi. Nhưng ức triệu người trong bốn biển trông cậy vào một mình trẫm. Đó là ý trời nào phải việc người. Trẫm ứng mệnh trời, thuận lòng người không thể nhún nhường cố chấp mãi, lấy ngày hôm nay lên ngôi Thiên tử đặt niên hiệu là Quang Trung nguyên niên.

Hỡi muôn dân trăm họ! Nay trẫm cùng dân đổi mới theo mưu mô sáng suốt của thánh nhân để trị vì và giáo hóa thiên hạ (...).

Hỡi thần dân các ngươi! Ai nấy hãy yên chức nghiệp chớ làm trái đạo thường. Người làm quan hãy hòa mục, người làm dân hãy an cư, để vãn hồi thời thịnh trị của Ngũ Đế Tam Vương, khiến cho Tông miếu xã tắc được phúc vô bờ há chẳng tốt đẹp hay sao.

Đặc biệt, 2 khẩu đại bác đặt hai bên sườn núi nhả 9 phát đạn khai hỏa, báo hiệu cho một triều đại mới. Phần Diễu kỳ, nhạc nổi lên. Các diễn viên bắt đầu thể hiện màn múa quạt, múa kiếm của đội nữ binh quân Tây Sơn, múa khiên Tây Nguyên, hợp luyện võ Bình Định, đồng diễn võ thuật, múa hỏa vân côn...

Kết thúc buổi lễ là phần xuất quân ra Bắc đi đánh quân Thanh. Vua Quang Trung đứng dậy, dõng dạc: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Dứt lời, nhà vua tuốt gươm khỏi vỏ, giơ cao lên trời thể hiện ý chí quyết chiến, quyết thắng. Quân lính và tướng sĩ cùng hô vang ủng hộ. Thủy quân Tây Sơn khiêng 10 con thuyền xuất hiện, chuẩn bị cho cuộc tiến ra Bắc giải phóng Thăng Long xuân Kỷ Dậu 1789...

Với sự thể hiện của hơn 90% là diễn viên quần chúng, không khí hào hùng của quân Tây Sơn đã được tái hiện trong dịp lễ kỷ niệm 221 năm ngày Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung tại núi Bân. Lễ hội đã thu hút hàng ngàn du khách và người dân địa phương tham gia...

Cũng trong tối 9.1, UBND thành phố Huế đã tổ chức khánh thành Tượng đài Quang Trung-Nguyễn Huệ được xây dựng để tưởng niệm anh hùng Quang Trung tại núi Bân. Tượng đài cao 21 m, thân tượng cao 12 m, được làm từ 8 khối đá với 18 mảng, mỗi mảng nặng 10-60 tấn với chất liệu đá hoa cương Thanh Hóa. Tác phẩm do nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ sáng tác và Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Hà Nội thực hiện. Phía sau tượng đài là bức phù điêu dài gần 60m do nhà điêu khắc Nguyễn Quyết Thắng thực hiện với các họa tiết miêu tả quá trình từ lúc khởi nghiệp của nghĩa quân Tây Sơn đến lúc Quang Trung phát lệnh tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh... Ngoài tượng đài, khu tưởng niệm anh hùng dân tộc Quang Trung tại núi Bân còn có sân hành lễ, nhà thờ Hoàng đế Quang Trung và Hoàng hậu Lê Ngọc Hân cùng các quan văn võ; nhà trưng bày tư liệu hiện vật của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn...
Báo Văn hóa