Thành phố biển Quy Nhơn (Bình Định) có nhiều món ăn bình dân mà chỉ một lần nếm thử du khách khó có thể quên. Vùng đất được vun bồi bởi vị mặn mòi của biển nên ẩm thực nơi đây mang cho mình phong vị đậm đà. Bản đồ các quán “ăn vặt” ở đây ngày càng dày khiến các tín đồ ẩm thực phải check-in liên tục.
Bánh sắn được bán kèm ở các xe bánh tiêu.
1/Với sự ưu ái của thiên nhiên, lượng lớn hải sản được đánh bắt mỗi ngày là nguồn nguyên liệu dồi dào để người dân nơi đây tạo nên những món ăn nức tiếng. Dưới bàn tay của người đầu bếp, những món ăn tưởng chừng đơn giản, bình dân lại gieo vào lòng khách phương xa một nỗi niềm vấn vương đến khó tả. Giá thành rẻ, lại tươi ngon nên các hàng quán khi về chiều luôn đông khách.
Cách Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) khoảng 500 m, phố ẩm thực Quy Nhơn nằm trên đường Ngô Văn Sở, giao với đường ven biển Xuân Diệu luôn nườm nượp khách vào các buổi chiều và tối. Nơi đây được ví như “thiên đường ăn vặt” ở Quy Nhơn với nhiều món ăn từ hải sản như tôm, ghẹ, mực, hàu, các loại ốc biển, nhum biển đến các món đặc sản ngon trứ danh như bánh xèo tôm nhảy, nem nướng, tré, bánh ít lá gai, bánh hồng hay các loại chè, bánh ngọt ngon và rẻ để thực khách lựa chọn.
Ngoài hải sản, Bình Định có nhiều loại bánh nghe tên khá lạ, trong đó nổi bật là bánh tiêu, bánh tráng dừa, bánh ít đen, bánh hỏi, bánh dún, bánh hồng, bánh xèo và hàng chục loại bánh khác nữa. Chủ yếu được làm từ bột gạo, bột ngang (bột mì), những thứ bánh dân dã này hay được các bà, các cô khéo tay làm mang bán. Bánh được làm ngay tại chỗ, khách ăn bao nhiêu, chủ quán mới làm bấy nhiêu nhưng cũng có bà, có chị cắp thúng bánh đi bán rong, bán dạo trong các con hẻm phố xa. Trên nhiều con phố ở Quy Nhơn, bạn dễ dàng tìm thấy các hàng quán nhỏ, xinh bày bán với vài chiếc bàn ghế thấp hoặc có khi được bày ngay tại vỉa hè.
2/Trước đây, tại những vùng đồi núi bán sơn địa giáp ranh giữa miền núi và đồng bằng như Phù Mỹ, Hoài Ân, Tây Sơn, người dân trồng rất nhiều sắn (khoai mì) làm lương thực thay gạo. Trong đó có nhiều loại như sắn gòn, sắn nhặt, sắn trắng, sắn tía. Có loại ăn bùi, ngon mà không say, có loại ăn dẻo, hơi đắng và ăn nhiều thì say. Thời chiến tranh, lúa gạo ít, chỉ có củ sắn làm lương thực chính nhưng ăn mãi một món cũng ngán, thế nên người ta “biến tấu” một chút thành món bánh để đánh lừa cái miệng.
Theo chia sẻ của người dân địa phương, để làm bánh khoai mì, họ chọn loại sắn nhặt có cây trắng, cuống lá dày, củ nhỏ, luộc ăn dẻo mà hơi đắng làm bánh. Sau khi bóc vỏ, cho củ vào luộc chín, bổ đôi lấy lõi xơ ra rồi cho vào cối giã nhuyễn. Có lẽ dưới tác động của sự giã ấy mà cái vị đăng đắng nhăn nhẳn và độc tố không còn nữa. Giã một hồi cho quánh lại thì múc ra mâm, ra ván dàn mỏng, để se mặt cắt từng miếng nhỏ thành bánh, cứ thế mà ăn. Bánh nguyên vị ngày xưa có thể chấm với muối hầm, nước mắm cho đỡ ngán. Món bánh sắn này đã giúp không ít người Bình Định vượt qua gian khổ, đứng vững trong hai cuộc kháng chiến để đi đến thắng lợi cuối cùng. Sau này, khi lúa gạo đã đủ đầy, các loại bánh làm từ củ sắn chỉ còn là thứ để thưởng ngoạn thì người ta chêm chế nhiều thứ như thêm bơ, sữa, nhân có chuối, đậu xanh, dừa, thịt, ngọt, mặn và cách làm cũng biến tấu bằng hấp, nướng thành món ăn chơi đãi khách chứ hàng quán làm bán cũng ít dần.
Anh Nguyễn Trung Đạt (Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn) cho biết, ngày nhỏ mỗi lần mẹ đi chợ về cho mấy miếng bánh gói trong lá chuối là vui lắm. Ngày nay nhiều thứ bánh, kẹo ngon nhập ngoại nhưng có lẽ cái vị ngon nhất vẫn đọng lại trong anh đó là mùi thơm bánh sắn của một thời gian khó. “Bạn bè tôi đi làm ăn xa mỗi khi về thăm quê luôn đòi ăn bánh sắn vị xưa. Có lẽ các khách sạn, công ty du lịch nên làm loại bánh này giới thiệu với thực khách bởi nguyên liệu dễ tìm lại đi kèm qua câu chuyện kể của người làm sẽ thêm gây ấn tượng với người thưởng thức. Với cá nhân, trừ khi tiếp khách phải vào nhà hàng còn lại tôi giữ thú vui ngồi quán xá vỉa hè, hoặc xách xe đi “ăn vặt”. Trong không gian đó, với những món bình dân và trò chuyện với người bán, tôi có cảm giác gần gũi, thân quen như ăn với người thân”.
Chị Nguyễn Thị Hiền, du khách đến từ Hà Nội cho biết, đây là lần thứ ba gia đình đi du lịch Bình Định và sau cả ngày khám phá biển đảo thì tối đến cả nhà chị ghé qua phố ẩm thực Quy Nhơn trải nghiệm món ăn. “Tôi đã đến nhiều thành phố du lịch biển, nhưng vẫn rất ấn tượng với Quy Nhơn khi hải sản ở đây ngon và rẻ, quán tuy bình dân nhưng chất lượng không thua kém các nhà hàng”, chị nói.
Bài và ảnh: Thanh Tùng