Khu vực đền Kiếp Bạc nằm trong một thung lũng trù phú, xanh tươi, ba phía có dãy núi Rồng hình tay ngai với hai nhánh Nam Tào và Bắc Đẩu bao bọc, phía còn lại là Lục Đầu Giang (nơi hội tụ của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình). Núi tạo thành thế rồng chầu, hổ phục, sông tạo thành minh đường rộng rãi. Đây cũng là đầu mối huyết mạch giao thông thủy bộ trấn giữ cửa ngõ phía đông Kinh thành Thăng Long xưa (Hà Nội ngày nay). Nơi đây trời bày đất dựng, vị trí đắc địa về phong thủy, có vị trí hiểm yếu về quân sự, có tứ linh quần tụ chung đúc khí thiêng. Bởi thế, sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất (1258), Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo đã chọn khu vực này làm trung tâm chỉ huy của phòng tuyến quân sự vùng Đông Bắc, kéo dài từ biên giới Lạng Sơn qua ải Chi Lăng, Nội Bàng theo sông Lục Nam, qua Lục Đầu Giang, Bạch Đằng ra biển Đông, nhằm tạo trận đồ “thủy bộ hợp thành, tiến thế công, thoái thế thủ” để chống giặc Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) và lần thứ 3 (1288). Sau khi Trần Hưng Đạo mất, để tưởng nhớ công lao to lớn của ông đối với đất nước, nhân dân địa phương đã lập đền thờ trên vị trí trung tâm chỉ huy xưa kia, đặt tên là Kiếp Bạc và tôn ông làm Đức Thánh Trần.
Phía trước đền có cổng lớn nguy nga, đồ sộ, với ba cửa ra vào. Trên mặt ngoài cổng có 9 chữ lớn: phía trên là 4 chữ "Hưng thiên vô cực", phía dưới là 5 chữ "Trần Hưng Đạo Vương từ" và hai cột câu đối “Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí/ Lục Đầu vô thủy bất thu thanh”, nghĩa là “Kiếp Bạc muôn ngọn núi đều có hùng khí của kiếm thiêng/ Lục Đầu không còn nước nào chẳng vọng tiếng thu”. Qua cổng lớn, bên trái có Giếng Ngọc mắt rồng. Theo con đường đá đi đến khu vực để kiệu trong mùa lễ hội, phía trước có một án thờ.
Đền có 3 tòa điện lớn. Tại vị trí trang trọng nhất – tòa điện ở giữa đặt tượng thờ Trần Hưng Đạo đường bệ, uy nghi. Tòa điện ngoài cùng đặt tượng thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão (con rể Trần Hưng Đạo). Tòa điện trong cùng đặt tượng thờ Quốc mẫu Thiên Thành công chúa (phu nhân của Trần Hưng Đạo) và hai con gái là Đệ nhất Khâm từ Hoàng hậu Quyên Thanh công chúa (vợ vua Trần Nhân Tông), Đệ nhị Nữ hoàng Anh Nguyên quận chúa (phu nhân của tướng quân Phạm Ngũ Lão). Trong đền còn đặt 4 bài vị thờ 4 con trai của Trần Hưng Đạo.
Lễ hội đền Kiếp Bạc gắn với lễ hội Côn Sơn (xã Cộng Hòa, thị xã Chí Linh), được tổ chức 2 lần trong năm. Lễ hội mùa xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc tưởng niệm ngày viên tịch của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang tôn giả, diễn ra từ 14-17 tháng giêng, bao gồm các hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn như: Lễ Mông sơn thí thực, lễ tế trời đất trên Ngũ Nhạc linh từ; lễ rước nước; hội thi gói và luộc bánh chưng, giã bánh dày, pháo đất, đua thuyền trên Lục Ðầu Giang, chọi gà, cờ người, đấu vật… Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc tưởng niệm ngày mất của Đức Thánh Trần và Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, diễn ra từ ngày 15 – 20/8 âm lịch với các nghi thức tế lễ và diễn xướng dân gian như: lễ rước cỗ tiến Thánh, lễ duyệt quân trên sông Lục Đầu, lễ cầu an và hội hoa đăng trên sông Lục Đầu, tục hầu Thánh, lễ ban ấn của Đức Thánh Trần cùng nhiều trò chơi dân gian như: đấu vật, đua thuyền, bắt vịt, nấu cơm thi, nhảy phỗng…
Ngoài hai lễ hội trên, đền Kiếp Bạc còn gắn với lễ hội đền Trần Thương (thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) diễn ra từ ngày 18 - 20/8 âm lịch cùng tôn vinh Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Tham gia lễ hội này, du khách sẽ có dịp hành hương chiêm bái theo lộ trình: đền Kiếp Bạc - đền Trần Thương - đền Bảo Lộc (Nam Định) để cầu Đức Thánh Trần ban cho nhiều phước lành và may mắn.
Thanh Hải (TITC)