Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội thổi cơm thi Thị Cấm

Thời gian: 8/1 âm lịch.

Địa điểm: Đình làng Thị Cấm, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Đối tượng suy tôn: Đại vương Phan Tây Nhạc và Hoa Dung công chúa.

Đặc điểm: Tế lễ, hội kéo lửa, thổi cơm thi, hát văn, hát chèo….

Tương truyền rằng, vào thời Hùng Vương thứ 18, tức Hùng Duệ Vương nước ta bị quân giặc sang xâm lấn bờ cõi. Vua Hùng cùng các quan bàn bạc rồi triệu Sơn Thánh để hỏi kế và trao ấn kiếm cho Sơn Thánh tùy cơ định liệu. Sơn Thánh vâng lệnh, rồi tiến cử Phan Tây Nhạc là người dũng mãnh, có tài mưu lược. Nhà vua phong cho Phan Tây Nhạc làm Nhạc Tướng Quân rồi giao mang 3 vạn quân sĩ đi tiên phong. Ông đóng quân ở làng Thị Cấm, tổ chức thi nấu cơm và khao thưởng quân sĩ để khích lệ tinh thần chiến đấu. Với 4 mũi tiến công đánh nhanh, mạnh cùng tinh thần chiến đấu kiên cường của binh lính, quân giặc đã đại bại.

Chiến thắng trở về ông được Vua Hùng khen thưởng, phong làm Tây Nhạc Ðại Vương, rồi gả cháu ngoại là ba bà công chúa cho.  Sau khi ông mất, dân làng Thị Cấm tôn ông làm Thành hoàng làng và hàng năm, vào ngày mồng 8 Tết mở hội thổi cơm thi để tưởng nhớ đến công ơn của ông.

Lễ hội Thổi cơm thi được diễn ra dọc con đường lớn chạy qua làng. Trung tâm lễ hội là khu vực đình bao gồm sân đình và các thửa đất trước đình. Lễ hội bắt đầu từ 8h sáng, với tiết mục tế lễ của đội tế nam, sau đó  đội dâng hương nữ vào lễ thánh. Riêng phần thi nấu cơm diễn ra từ 11h00.

Tham gia hội thổi cơm thi là bốn giáp trong làng, mỗi giáp đều mặc trang phục với màu sắc riêng, phải thi 4 môn: kéo lửa – chạy thi – giã gạo – thổi cơm thi. Đúng 11h, khi hiệu lệnh được phát ra thì 4 môn cùng được thi một lúc, môn nào cũng có giải thưởng riêng.  Quy trình thi của các môn diễn ra như sau:

1. Kéo lửa: Mỗi giáp có hai đô kéo lửa với dụng cụ là thanh tre già và thanh dang già. Các nắm rơm được vò nát làm mồi lửa. Hai đô phải dùng các công cụ thô sơ đó kẹp mồi lửa và kéo để tạo ma sát. Khi thấy có khói, hai đô dừng lại và thổi để lấy lửa. Đô của giáp nào kéo được lửa trước thì giáp đó được giải nhất về phần kéo lửa.

2. Chạy thi: Mỗi giáp cử một đô chạy lấy nước. Xuất phát từ giữa sân đình, người chạy phải chạy đến bờ sông Nhuệ (cách khoảng 1 km). Để lấy nước đựng ở chiếc be bằng đồng mang về thổi cơm. Đô của giáp nào mang nước về trước thì giáp đó đoạt giải về phần chạy thi.

3. Giã gạo: Thóc được đổ vào 4 cối đá, rồi được bốn đô, xàng để lấy hạt gạo trắng. Hạt gạo phải đảm bảo trắng, không bị gãy. Giáp nào xong trước thì đoạt giải ở phần thi này.

4. Thi thổi cơm: là phần thi cuối cùng. Ban giám khảo đã chuẩn bị 4 khu bếp từ trước, các giáp bốc thăm chọn bếp rồi thổi cơm. Mỗi giáp cử ra 4 đô để thi phần thi này. Các đô phải đun bếp bằng rơm, dùng tro rơm vùi kín nồi để cơm chín. Khi cây hương cháy hết cơm phải được nấu xong. Cũng như các phần thi trên, giáp nào nấu xong trước thì đoạt  giải ở phần thi này.

Kết thúc phần thổi cơm thi, cơm của 4 giáp sẽ được đem dâng  trình Thánh. Sau đó, ban giám khảo công bố và trao giải cho giáp nào đạt nhiều giải nhất qua 4 phần thi. Giải nhất sẽ được trao cho giáp nào nấu cơm chin, dẻo và trắng, không có hạt cơm sượng.   

Lễ hội thổi cơm thi làng Thị Cấm thu hút rất nhiều nhân dân trong vùng cùng khách thập phương về dự hội.  Trong ngày lễ hội còn có những trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống như: hát quan họ, cải lương, chèo, thi cờ tướng…

 (Nguồn: TTTTDL, Bài và ảnh: Huy Hoàng)



TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM