Quảng Nam tổ chức đối thoại về nhân lực du lịch
Cập nhật: 16/10/2013
Sở VHTTDL Quảng Nam vừa phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức chương trình đối thoại chính sách lao động-việc làm trong doanh nghiệp ngành du lịch tỉnh Quảng Nam với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành du lịch Quảng Nam.
Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam vào tháng 3 vừa qua cho biết, khoảng 82% doanh nghiệp chọn phương án tuyển lao động có kinh nghiệm làm việc thực tế hơn là tuyển từ các trường đào tạo. Điều này cũng được nhiều doanh nghiệp tham gia buổi đối thoại vừa qua thừa nhận vì theo cách này doanh nghiệp sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn, không mất thời gian, chi phí đào tạo lại. Tuy nhiên, một vài doanh nghiệp cũng cho biết nếu có điều kiện sẽ tự đào tạo lao động vì đúng với yêu cầu riêng của doanh nghiệp và cũng là cách giữ chân, giúp người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Trên thực tế, hầu như các doanh nghiệp du lịch đều phải bỏ rất nhiều thời gian, tiền bạc, nguồn lực để đào tạo lại các sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường nghề. Trong khi đó các trường nghề thì vẫn loay hoay đi tìm các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo. Sinh viên ngành du lịch ra trường có thể dễ dàng tìm việc làm với thu nhập vừa phải ở các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn, thế nhưng khó mà tìm được những nhân lực cao cấp, tay nghề giỏi và hầu như tất cả đều phải tham gia các khóa đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Tính liên kết giữa ba chủ thể: cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề-các trường nghề, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp vẫn là một bài toán cần nhiều ý tưởng để giải quyết.

Việc thiếu hụt lao động có tay nghề trong ngành du lịch tại miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng cũng dẫn đến thực trạng “chảy máu nguồn nhân lực chất lượng cao”, xáo trộn nhân lực thường xuyên diễn ra ở các doanh nghiệp.

Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết: Tỷ lệ luân chuyển lao động trong ngành du lịch Quảng Nam rất cao, khoảng 50%. Nguyên nhân một phần do thiếu hụt nguồn lao động chất lượng cao, phần khác do mối quan hệ doanh nghiệp-người lao động, việc thực hiện chính sách cho người lao động tại các doanh nghiệp chưa thỏa mãn, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa quan tâm đúng mức đến các chính sách dành cho nhân viên như chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chế độ đãi ngộ.

Điều này là một trong những nguyên nhân gây nên sự phát triển không bền đối với tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của ngành du lịch. Dự kiến, từ đây đến năm 2015, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam cần tối thiểu trên 6.000 lao động.

Tại buổi đối thoại nói trên, lần đầu tiên, nhiều vấn đề vướng mắc giữa các doanh nghiệp-nhà trường-cơ quan quản lý trong việc thực hiện các chính sách cho người lao động, cũng như trong việc hợp tác đào tạo nhân lực cũng được đem ra trao đổi thẳng thắn nhằm tìm kiếm phương án tháo gỡ. Các bên đều nhấn mạnh đến việc hợp tác tìm giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam trong giai đoạn tới.

Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, để tiếp tục cân đối được mức cung-cầu lao động cho ngành du lịch trong những năm tới, Quảng Nam nên quy hoạch một cơ sở đào tạo chuyên ngành du lịch theo hình thức hợp tác nhà trường-doanh nghiệp. Đồng thời, củng cố phát triển cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo tại các cơ sở hiện có. Đặc biệt, nên quan tâm tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong quản lý lao động.

Trước mắt sẽ điều tra, khảo sát để nắm tình hình chất lượng nguồn lao động. Từ số liệu thực tế sẽ có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các đợt kiểm tra, cấp chứng chỉ nghề cho lao động ngành du lịch. Bên cạnh đó, cần lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án quốc tế; huy động nguồn vốn từ xã hội hóa giáo dục để có nguồn lực tổng hợp từ Nhà nước, cộng đồng và các doanh nghiệp tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Báo Văn hóa