Nghệ An có 2 lễ hội đầu tiên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cập nhật: 01/07/2016
Lễ hội Đền Cờn và lễ hội Đền Chín Gian ở Nghệ An là hai trong 5 lễ hội vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đợt XIV. Đây là 2 lễ hội đầu tiên của Nghệ An được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Lễ hội đền Cờn (Ảnh: báo công thương)

Ba lễ hội khác là Lễ hội Đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội), Lễ hội Đền Bảo Hà (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai); và Lễ cúng rừng (Mủ đẳng mai) của người Thu Lao (xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai).

Như vậy, hiện tại cả nước đã có 167 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Lễ cúng trâu ở Lễ hội đền Chín Gian

Lễ hội Đền Chín Gian

Đền Chín Gian được xây dựng vào đầu thế kỷ XIV tại Pú Chò Nhàng gọi là Tến Pỏn (đền trên núi), thuộc bản Khoẳng, xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Đền thờ Thẻn Phà (thờ trời), Nắng Xỉ Đả (con gái trời) và Táo Ló Ỳ có công xây bản lập mường. Trước đền đặt 9 con trâu trắng và đen tượng trưng cho chín bản mười mường.

Tại lễ hội đền Chín Gian diễn ra từ ngày 14 - 16/2 (Âm lịch) hàng năm, ngoài phần nghi lễ được diễn ra trang nghiêm, thành kính và mang tính truyền thống thì phần hội còn sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian như kéo co, bắn nỏ, ném còn, nhảy sạp, đánh cồng chiêng, thổi cơm lam, thi ẩm thực vùng miền, hội trại, thi người đẹp…

Lễ hội Đờn Cờn

Đền Cờn tọa lạc trên gò Diệc, bên bờ sông Mai, phường Quỳnh Phương, TX. Hoàng Mai; Đền được xây dựng từ thế kỷ 13 và phát triển ở quy mô lớn dưới thời Lê, trùng tu nhiều lần dưới triều Nguyễn.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đền Cờn bị tàn phá nên lễ hội cũng không được tổ chức. Đến năm 1989, di tích đền Cờn được khôi phục; năm 1997 đền được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng công nhận là di tích quốc gia, được tái tạo và khôi phục lại khang trang thêm. Năm 1999, Lễ hội đền Cờn được phục hồi.

Lễ hội Đền Cờn tổ chức vào ngày 20, 21 tháng Giêng (Âm lịch) hàng năm với mong ước một năm trời yên, biển lặng, đánh bắt nhiều hải sản, cầu lộc, cầu yên; là một sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm sắc thái địa phương của ngư dân.

 

Báo Nghệ An