Hà Giang công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Tết Cá của người Tày xã Mậu Duệ (Yên Minh)
Cập nhật: 10/10/2016
Ngày 09/10, tại xã Mậu Duệ, UBND huyện Yên Minh tổ chức công bố Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Tết Cá của người Tày xã Mậu Duệ và vui hội Tết Cá. Đến dự có Thường trực Huyện ủy, HĐND – UBND và các phòng, ban của huyện Yên Minh; nguyên một số lãnh đạo tỉnh và huyện Yên Minh; lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, Bảo tàng tỉnh; đại diện các xã, thị trấn của huyện Yên Minh cùng đông đảo bà con, nhân dân xã Mậu Duệ và du khách trong và ngoài nước.
Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, lãnh đạo Bảo tàng tỉnh trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Tết Cá của người Tày xã Mậu Duệ cho lãnh đạo huyện Yên Minh và xã Mậu Duệ

Tại buổi công bố, lãnh đạo Bảo tàng tỉnh đã giới thiệu sự hình thành Tết Cá, theo đó, Tết Cá của người Tày xã Mậu Duệ có từ 300 – 400 năm trước. Người Tày ở Mậu Duệ thường sống bên cạnh những dòng sông, suối, khai phá ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Từ đời sống sinh hoạt hàng ngày, họ thả cá chép vào ruộng khi canh tác lúa (thường vào vụ Mùa), vừa có thêm thực phẩm mà năng suất lúa lại tốt hơn. Vì vậy, họ tổ chức ăn mừng đón vụ lúa mới hiệu quả hơn và dâng lễ vật bằng cá chép nuôi tại ruộng cho tổ tiên, thần linh vào ngày 9/9 (âm lịch) hàng năm.

Cuộc thi đua cá thu hút hàng nghìn người xem và cổ vũ

Trong Tết Cá, có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần lễ là phần chế biến, chuẩn bị các món ẩm thực từ cá chép ruộng để dâng cúng tổ tiên. Trong mâm cỗ cúng thường có từ 7 – 9 món ăn chế biến từ cá chép ruộng nhưng quan trọng nhất và không được thiếu 3 món chính là: Cá rán, cá nướng và cá đồ măng chua. Phần hội trong Tết Cá là cuộc thi bơi của các chú cá (hay còn gọi là Hội đua cá). Các “vận động viên” cá chép được buộc một sợi dây dù (hoặc cước) vào lưng và nối với những chiếc phao, thuyền gỗ nhỏ. Sau đó được đặt vào những làn nước đã chuẩn bị sẵn và các chủ cá té nước để cho cá bơi ngược dòng. Cá nào đến đích trước sẽ dành phần thắng.

Các món ăn chế biến từ cá chép ruộng được chuẩn bị công phu để dâng lên thần linh, tổ tiên cầu cho một mùa màng tươi tốt

Ngay sau lễ công bố và trao Bằng công nhận Di sản phi vật thể Quốc gia Tết Cá người Tày xã Mậu Duệ, Ban tổ chức đã tổ chức cuộc thi đua cá và giới thiệu thêm về cách chế biến các món ăn từ cá chép ruộng trong mâm cỗ cúng ngày Tết Cá đến các đại biểu và du khách.

Báo Hà Giang