Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Tuyên Quang 2017
Cập nhật: 28/02/2017
(TITC) – Sáng ngày 27/2/2017, tại TP. Tuyên Quang, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang, các đại biểu quốc tế, cùng lãnh đạo các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Tuyên Quang nằm giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc, cách Thủ đô Hà Nội 140km về phía Bắc. Với địa hình trải dài từ Bắc xuống Nam, Tuyên Quang có lịch sử hình thành lâu đời, gắn với sự phát triển của cộng đồng các dân tộc như Kinh, Tày, Nùng, Dao...

Với địa hình đa dạng cùng cuộc sống văn hóa đầy sắc màu của đồng bào dân tộc, Tuyên Quang có nhiều điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng… trong đó nổi bật là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích sinh thái Nà Hang với diện tích rừng nguyên sinh hơn 8.000ha, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn suối khoáng nóng...

Các lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư gồm du lịch, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ lưu trú tại các điểm du lịch, kết cấu hạ tầng thương mại, đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng danh mục 15 dự án trọng điểm thu hút đầu tư; dành nhiều chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư tham gia vào những dự án này như miễn tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, hỗ trợ chi phí đào tạo...

Theo Bí thư tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm, hội nghị xúc tiến đầu tư là một bước quyết tâm cụ thể hóa và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Đây là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trao đổi, tìm hiểu về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư vào Tuyên Quang. Tỉnh Tuyên Quang đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển và hội nhập, nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư vào tỉnh. Đồng chí Chẩu Văn Lâm khẳng định vai trò quan trọng của các doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Tuyên Quang và cam kết sẽ luôn tạo cơ hội thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Tuyên Quang trong thời gian qua. Thủ tướng nhấn mạnh Tuyên Quang có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế lâm nghiệp, cụ thể là nghề rừng, trồng dược liệu, du lịch, dịch vụ cùng với năng lượng tái tạo và trên 200 điểm khoáng sản. Đồng thời tỉnh có nhiều đổi mới, cầu thị, có quyết tâm, khát vọng lớn để phát triển nên các nhà đầu tư có thể tìm hiểu, khai thác những tiềm năng, thế mạnh này. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ rõ các bất cập của tỉnh trong phát triển kinh tế, nhất là rừng chưa thành thế mạnh trong phát triển kinh tế; tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao...

Vì vậy, để thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, trong thời gian tới, Tuyên Quang cần tập trung vào xã hội hóa mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư, khuyến khích đầu tư tư nhân, cả về hạ tầng và xã hội, coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển; quy hoạch để phát triển bền vững, lâu dài, giữ môi trường sống xanh, sạch; tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là cải cách hành chính, trước hết là thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh; đầu tư, phát triển nguồn nhân lực ở địa phương… qua đó người dân phải được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Với các doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết đầu tư, có chiến lược đầu tư kinh doanh lâu dài, mang tính bền vững tại Tuyên Quang; đối xử với người lao động đúng mực, tạo ra môi trường sống tốt để người lao động tái tạo được sức lao động. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phải có ý thức giữ gìn môi trường, nhất là khu vực sông Lô - đầu nguồn nước của thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng.

Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ luôn tạo môi trường tốt cho kinh doanh, tạo môi trường bình đẳng trong cạnh tranh, tiếp tục xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách tốt hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trong các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam.

Tại hội nghị, tỉnh Tuyên Quang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 6 nhà đầu tư vào các dự án du lịch nghỉ dưỡng, chăn nuôi, chế biến gỗ… với tổng số vốn đăng ký là 3.691 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh cũng ký cam kết thỏa thuận đầu tư với một số doanh nghiệp khác với tổng mức vốn hơn 18.289 tỷ đồng.

Trước đó, vào chiều ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. Tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, gỗ rừng trồng là thế mạnh cần khai thác để thúc đẩy công nghiệp chế biến. Thủ tướng mong muốn Tuyên Quang sẽ là hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước, là một điển hình về thoát nghèo, cải thiện sinh kế bền vững, tối ưu hóa tài nguyên, nâng cao đời sống cho người dân.

Tin: Thu Thủy: Ảnh: Xuân Bách