Bí ẩn “suối cá thần”
Cập nhật: 16/05/2007
Người già nhất làng Lương Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ - Thanh Hoá hiện đang còn sống cũng không thể giải thích được tại sao quê hương lại được "trời ban" cho một suối cá thần.

Hàng nghìn con cá được người dân bản địa đặt tên cá giốc, chúng quanh năm, suốt tháng chỉ ra vào qua một cửa hang rất hẹp.

Vào mùa mưa lũ, cá giốc có thể đi xa khỏi suối hàng cây số nhưng khi nước lũ rút thì lại quay về mà không có con nào bị "lạc đường". Người dân Lương Ngọc gọi đây là "suối cá thần", sự thiêng liêng của sông núi tích tụ từ nghìn đời.

Hồn thiêng sông núi

Đàn cá với số lượng hàng nghìn con, con to nặng tới 7-8kg, con nhỏ khoảng năm ba lạng, đa phần cùng một loài cá giốc. Chúng vô tư bơi ngược, xuôi theo con suối nhỏ nằm sát chân núi Trường Sinh, mặc cho hàng trăm du khách say đắm nhìn ngắm trong sự kỳ vĩ và bí ẩn của tạo hoá ở nơi núi rừng cách Tp.Thanh Hoá đến hơn 100km này.

Dòng nước từ khe nguồn của dãy núi Trường Sinh thảnh thơi chảy ra một cách chậm rãi, trong xanh và óng ánh. Thi thoảng lại có du khách ném vài cọng rau muống hoặc mấy hạt lạc xuống, "họ hàng" nhà cá giốc nhô lên đớp làm cho dòng nước chảy êm ái, bằng phẳng cuộn sóng đẹp long lanh như được dát bạc.

Loài cá giốc ở suối Ngọc có hình thù rất đẹp, với lớp vảy phía trên lưng màu sẫm tựa như rêu và đá núi. Thân hình cá khá giống loài trắm sông, lưng và vây có chấm đỏ, môi phớt hồng. Khi mùa mưa về, nước lớn, cư dân địa phương và những du khách may mắn còn được chiêm ngưỡng những chú "cá chúa" nặng chừng 35-40kg xuất hiện "nô đùa" cùng bầy cháu chắt.

Theo người dân mô tả thì ở phía ngoài mang của "cá chúa" có vành đỏ như kiểu người phụ nữ đeo khuyên tai, mắt mang viền xanh đỏ, đuôi được "trang sức" bởi một chấm đỏ viền xanh, đồng bào Mường sống tại làng Lương Ngọc gọi đây là mặt nguyệt biểu trưng cho sự yên bình, sự che chở của thần linh, của hồn thiêng sông núi.

Vào năm 1958 đã có người trong làng chui vào hang thám hiểm. Chuyện kể lại rằng họ vào bên trong gầm núi Trường Sinh mới phát hiện có rất nhiều suối ngầm nông - cạn khác nhau, nước trong suốt. Trong suối ngầm lại chia thành hai dòng nước nóng - lạnh.

Đàn cá giốc sống bám theo dòng nước ấm ở các vụng rộng và sâu. Dòng nước ấm khi ra đến cửa hang nơi cá giốc hiện nay vẫn ra vào thì hoà quyện với dòng nước lạnh. Do cá giốc ở đây ngay từ khi sinh ra đã thích nghi với dòng nước ấm, nên chúng chỉ sống quanh khu vực có nguồn nước tinh khiết tiết ra từ lòng núi.

Sự nổi tiếng của "suối cá thần" đã thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu trong các năm gần đây, đang mở ra hướng phát triển kinh tế du lịch địa phương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Xung quanh khu vực suối Ngọc hiện đã có nhiều quán kinh doanh các loại mặt hàng thổ cẩm, cơm lam, các đồ lưu niệm mang đậm dấu ấn núi rừng.

Lên núi Trường Sinh thưởng ngoạn các nhũ đá kỳ vĩ gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết được hư cấu khá lý thú bên trong động Ngọc. Quy luật đi của hang động này là "vào cửa cha ra cửa mẹ". Ngay tại vòm cửa động hiện hình thù con sư tử đang ngồi trên đài sen, bên dưới là hình con hà mã chồm lên giữa sóng nước. Vào tiếp bên trong mới thấy muôn vàn nhũ đá long lanh trong bóng nước với muôn hình thù khác nhau.

Người dân Lương Ngọc vẫn xem suối cá là nơi linh thiêng để che chở cho bản làng, ban phát những điều lành, xua đuổi điều giữ.
Lao Động