Đánh thức tiềm năng du lịch Tân Phú (Đồng Nai)
Cập nhật: 25/07/2013
Nằm giữa tuyến du lịch TP. Hồ Chí Minh - Đà Lạt, huyện Tân Phú (Đồng Nai)  là vùng đất có nhiều danh thắng và những lễ hội văn hóa rất đặc trưng. Với những tiềm năng vốn có, du lịch có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo sự phát triển bền vững cho địa phương.

Nhiều thắng cảnh hấp dẫn

Một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, có thể kể đến Vườn quốc gia Cát Tiên, nơi có hệ động thực vật đa dạng, phong phú được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới, hiện đang xây dựng hồ sơ để được công nhận là khu di sản thiên nhiên thế giới.

Suối Mơ nằm trên địa bàn xã Trà Cổ. Ở đây, hàng chục dòng suối nhỏ chảy ra từ trong vách đá cùng hội tụ và đổ xuống một vùng trũng toàn đá và cát, tạo nên một hồ nước tự nhiên rất lạ. Từ nhiều năm nay, suối Mơ đã là một điểm đến hấp dẫn du khách từ nhiều nơi. Hiện nay, suối Mơ đang được Công ty Phú Lạc đầu tư xây dựng thành một khu du lịch vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp.

Nằm trên địa bàn ấp 8, xã Phú Lộc, hang Dơi vừa mới được những nhà thám hiểm thuộc Hội Hang động Berlin (Đức) phát hiện, được công nhận là hang động nguồn gốc dung nham dài nhất Đông Nam Á với chiều dài khoảng 1,8km. Hang Dơi được hình thành trong quá trình kiến tạo núi lửa. Bên trong hang Dơi có nơi chiều rộng khoảng 10m và chiều cao lên đến 4m. Với những gì đã được khám phá, quần thể hang động dung nham núi lửa ở đây với cảnh quan kỳ thú của thiên nhiên có thể làm mê đắm du khách ưa mạo hiểm nếu được khai thác hợp lý.

Tân Phú còn có nhiều điểm đến hấp dẫn thú vị khác, như: thác Hòa Bình, hồ Đa Tôn cũng đang được mời gọi đầu tư để xây dựng thành nơi vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng. Tân Phú còn là nơi hội tụ của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số, giữ nguyên các giá trị văn hóa truyền thống với những lễ hội có từ lâu đời. Ngoài các hội lễ đâm trâu, cúng Giàng, mừng lúa mới của người dân tộc bản địa, như: Mạ, S’tiêng, Chơ-ro, còn có  một số lễ hội của  những dân tộc khác, như: lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Tà Lài,  Tả Tài Phán của người Hoa...

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Tân Phú, để quản lý tốt và phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, trong những năm gần đây, địa phương đã có nhiều chủ trương, giải pháp, như: đầu tư nâng cấp, sửa chữa làm mới một số tuyến đường giao thông vào các khu du lịch (Suối Mơ, hồ Đa Tôn), đồng thời quy hoạch những điểm du lịch để kêu gọi các nhà đầu tư. Song song đó, địa phương cũng quan tâm khôi phục các loại hình sinh hoạt văn hóa phi vật thể, như:  dân ca Mạ, các lễ hội đặc trưng của các đồng bào dân tộc trên địa bàn. Bằng phương thức xã hội hóa, huyện cũng đã kêu gọi đầu tư để sản phẩm du lịch thêm phần đa dạng và phong phú, như:  Homestay ở Đắk Lua, du lịch khám phá ở Tà Lài…

Cũng như nhiều địa phương khác, hiện nay các hoạt động kinh doanh, dịch vụ gắn liền với mỗi điểm du lịch tại huyện Tân Phú còn quá ít, nguồn nhân lực phục vụ du lịch lại rất thiếu. Ngoại trừ Vườn quốc gia Cát Tiên, các điểm du lịch khác của Tân Phú chưa nằm trong tour, tuyến du lịch trọng điểm nào của các công ty lữ hành dù vùng này có vị trí địa lý thuận lợi.

Cũng theo ông Tâm, để du lịch Tân Phú thực sự phát huy được tiềm năng sẵn có, trước hết rất cần phải thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, bảo vệ, gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số sống tại địa bàn. Ngoài ra cũng cần tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, ngành chức năng để kêu gọi đầu tư, tăng cường quảng bá; đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác du lịch, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới…

Báo Đồng Nai