CVĐC Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn hướng tới thời điểm tái đánh giá năm 2014
Cập nhật: 05/08/2013
Trở thành thành viên Mạng lưới Công viên địa chất Toàn cầu (CVĐCTC) đã khó, giữ được tư cách thành viên của Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐĐV) lại càng khó hơn.

Trong khi chỉ còn chưa đầy 10 tháng nữa sẽ đến thời điểm (năm 2014) tái đánh giá tư cách thành viên. Vì thế, đòi hỏi phải có sự cộng sức, đồng lòng của các cấp, các ngành từ Trung Ương đến địa phương, đặc biệt là người dân trực tiếp sống trong vùng di sản độc đáo này. Việc thực hiện các tiêu chí, khuyến nghị của Hội đồng thành viên Mạng lưới CVĐCTC là điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, thời gian qua, dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực, song trước nhiều khó khăn khác nhau nên việc thực hiện một số tiêu chí, khuyến nghị vẫn còn gặp có những hạn chế.

Trên cơ sở đó, vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản số 1969 về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị CVĐCTC CNĐĐV. Trong thời gian tập trung từ tháng 7/2013 - 7/2014, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp cần phải triển khai những nội dung công việc như: Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐCTC CNĐĐV; bảo tồn di sản trên CVĐC; tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về CVĐC; xây dựng, củng cố về lĩnh vực giao thông... Từ chỉ đạo của UBND tỉnh, có thể thấy, ngoài vai trò chủ đạo của Ban quản lý CVĐCTC CNĐĐV và 4 huyện nằm trong vùng CVĐC thì có sự tham gia của các Sở như: Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Giáo dục Đào tạo, Công an; các cơ quan tuyên truyền.

Với sự tham gia tích cực của các ngành sẽ thúc đẩy việc phối hợp, bảo tồn các di sản trên CVĐCTC. Các đơn vị như Ban quản lý CVĐCTC CNĐĐV, Sở VHTTDL, Sở Tài Nguyên và Môi trường sẽ tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động có liên quan, ảnh hưởng đến di sản và cảnh quan môi trường; lập dự án bảo tồn các di sản văn hóa đã được xếp hạng; kiểm tra và xử lý các điểm khai thác đá trái phép, đồng thời khẩn trương lập phương án xử lý rác thải tại khu vực xảy ra ô nhiễm môi trường, đảm bảo sinh thái. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo quản lý các khu rừng đặc dụng trên địa bàn như Du Già, Bát Đại Sơn, kiểm tra việc triển khai trồng cây cảnh quan. Đặc biệt với Sở Xây dựng giữ vai trò đề xuất với UBND 4 huyện CNĐĐV điều chỉnh kiến trúc về xóa nhà tạm để bảo vệ sự thống nhất về kiến trúc truyền thống. Các huyện vùng CVĐCTC lập phương án chỉnh trang đô thị; tổ chức nhận bàn giao các điểm di sản trên địa bàn quản lý để giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ. Sở Giao thông Vận tải sẽ khẩn trương rà soát và lập phương án sửa chữa cải tạo đường, xây dựng điểm, bãi đỗ xe, đường cứu nạn, hộ lan đường; rà soát và lắp các biển chỉ dẫn giao thông bằng 2 thứ tiếng Việt - Anh. Sở Công an nghiên cứu, cải tiến thủ tục cấp phép cho khách du lịch ngoại quốc...

Trao đổi với chúng tôi, Phó giám đốc Ban quản lý CVĐCTC CNĐĐV, đồng chí Ma Ngọc Giang cho biết, chỉ còn khoảng 10 tháng nữa sẽ có đoàn công tác của Mạng lưới CVĐCTC đến Hà Giang để thẩm định những kết quả mà chúng ta nỗ lực trong thời gian qua nhằm hoàn thiện các tiêu chí, khuyến nghị. Tuy nhiên, trước đó có thể có những đoàn thẩm định độc lập đến CNĐĐV để kiểm tra và tự xây dựng báo cáo đánh giá về thực tế CVĐCTC CNĐĐV. Các đoàn thẩm định độc lập không nhất thiết thông qua chính quyền địa phương mà họ thực hiện các chuyến đi như là những vị khách du lịch. Trước khi CNĐĐV được công nhận là CVĐCTC thì cũng từng có điều này. Đồng chí Ma Ngọc Giang cũng cho biết thêm, CVĐC không phải là của riêng Ban quản lý mà là của cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng. Vì thế vai trò của các cấp, các ngành và mỗi người dân cần phải được thể hiện rõ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của CVĐCTC CNĐĐV.

Báo Hà Giang