Thời gian qua, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) huy động nhiều nguồn lực đầu tư nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế, đưa ngành du lịch phát triển hơn nữa.
Đội cồng chiêng làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê) biểu diễn phục vụ du khách. Ảnh: Trần Dung
Phát triển nhiều loại hình du lịch
Nhiều năm nay, làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê) là một trong những điểm đến được du khách chọn lựa khi tới Chư Sê. Là ngôi làng Jrai giàu bản sắc văn hóa, Hăng Ring hấp dẫn du khách bởi những bài chiêng đặc sắc, những nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan lát tài hoa. Ngoài ra, du khách còn được chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang trải dài ôm trọn ngôi làng.
Già làng Ra Lan Hào chia sẻ: “Với những nét đặc sắc về văn hóa truyền thống lâu đời, làng mình được huyện chọn để xây dựng làng văn hóa du lịch. Năm 2019, dân làng được tham gia lớp tập huấn du lịch cộng đồng với nhiều kiến thức bổ ích. Được làm du lịch trên chính ngôi làng của mình, mọi người ai cũng hào hứng. Chúng tôi vừa làm du lịch, vừa có thể bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc”.
Theo ông Trương Thanh Hoài-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê, Hăng Ring là 1 trong 3 làng được quy hoạch chi tiết, từng bước xây dựng thành làng du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân về cơ sở vật chất phục vụ du lịch; kết nối tour và quảng bá; thành lập tổ bảo vệ để quản lý, giữ gìn nhà rông, nhà sàn.
“Với 2 tuyến quốc lộ 14 và 25 đi qua, thị trấn Chư Sê có nhiều thuận lợi về giao thông, trao đổi hàng hóa cũng như có kết cấu hạ tầng phát triển. Cùng với tài nguyên thiên nhiên phong phú, địa phương có thể phát triển nhiều loại hình du lịch đặc thù như: du lịch văn hóa-lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch canh nông… Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho Công viên Văn hóa Kpă Klơng, Công viên Văn hóa Phạm Văn Đồng nhằm phục vụ nhu cầu tham quan giải trí của người dân và du khách”-Chủ tịch UBND thị trấn Chư Sê cho biết.
Những thửa ruộng bậc thang ở làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê) hấp dẫn du khách tham quan. Ảnh: Trần Dung
Với điều kiện địa lý của vùng cao nguyên khí hậu mát mẻ quanh năm cùng với sự đa dạng về địa hình, Chư Sê còn sở hữu nhiều thắng cảnh đẹp như: thác Đá, thác Bà (xã Ia Hlốp), đập Ia Ring (xã Chư Pơng)… Đặc biệt, Khu du lịch sinh thái thác Phú Cường (xã Ia Pal) với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí phù hợp với điều kiện tự nhiên và địa hình leo núi, vượt suối, nghỉ dưỡng đã đáp ứng được nhu cầu của du khách. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ (xã Hbông) với diện tích mặt nước lớn, khu vực lòng hồ có phong cảnh đẹp, rất thích hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, ngắm cảnh, dã ngoại.
Huy động nguồn lực đầu tư phát triển du lịch
Nhằm tạo bước ngoặt trong phát triển du lịch, huyện Chư Sê huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho ngành này. Tận dụng các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện đã ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các điểm trong quy hoạch phát triển của địa phương.
Đồng thời, huyện tạo cơ chế thông thoáng để thu hút đầu tư du lịch, hoàn thiện công tác quy hoạch du lịch làm cơ sở thu hút đầu tư vào các dự án khu/điểm du lịch; củng cố, chỉnh trang các điểm du lịch hiện có; duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch; tuyên truyền, quảng bá và nâng cao nhận thức về phát triển du lịch; nâng cao nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch.
Thác Phú Cường nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Dung
Ông Phạm Viết Nghị-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Sê-cho hay: Thời gian qua, huyện Chư Sê và Phú Thiện đã chủ động xây dựng kế hoạch kết nối tuyến du lịch từ thác Phú Cường (huyện Chư Sê) xuống hồ Ayun Hạ và Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (huyện Phú Thiện). Dự án này dựa trên tiềm năng sẵn có của từng địa phương và sự tương quan về địa lý, văn hóa của 2 huyện để tạo tour du lịch phù hợp. Ngoài nguồn vốn ngân sách, 2 địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể để thu hút các nhà đầu tư chung tay phát triển du lịch.
Trong năm 2020, huyện phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch hoàn thiện hồ sơ lý lịch di tích lịch sử “Địa điểm chiến thắng Plei Ring” (xã Hbông) và được công nhận là Di tích cấp tỉnh. Hiện nay, huyện đang tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển 4 dự án gồm: xây dựng làng Greo Pết (xã Dun), làng Tào Roong (xã Ia Pal), làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê) thành điểm du lịch cộng đồng; xây dựng Khu du lịch sinh thái thác Phú Cường (xã Ia Pal) với nhiều hoạt động vui chơi giải trí phù hợp với điều kiện tự nhiên; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất vui chơi giải trí tại Công viên Văn hóa Kpă Klơng và Công viên Văn hóa Phạm Văn Đồng; xây dựng Khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ (xã Hbông).
“Thời gian tới, huyện tập trung đầu tư ngân sách cho các dự án phát triển du lịch trọng tâm. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân đầu tư xây dựng, triển khai dự án phát triển du lịch như: khách sạn, trung tâm vui chơi, giải trí… Đặc biệt, huyện chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc cùng với xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch; liên kết xây dựng tour, tuyến du lịch”, Phó Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Chư Sê cho biết thêm.
Trần Dung