Phát triển du lịch gắn với cộng đồng không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa vốn có, mà còn giúp người dân tạo sinh kế, tăng thu nhập từ những lợi thế riêng.
Phát huy lợi thế địa phương
Buôn Đôn là huyện có nhiều tiềm năng du lịch, nhờ sự kết hợp giữa sinh thái sông nước và văn hóa đặc sắc của các dân tộc như Êđê, M'nông, J'rai, Lào… cùng sinh sống. Nơi đây, mỗi năm thu hút khoảng 300 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 5 đơn vị kinh doanh du lịch; các đơn vị này đã biết tận dụng nguồn lực sẵn có của địa phương, phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị các loại hình văn hóa; đặc biệt là gắn hoạt động kinh doanh du lịch với tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Du khách trải nghiệm dịch vụ tại Trung tâm du lịch Cầu Treo – Buôn Đôn.
Đơn cử như Trung tâm du lịch Cầu Treo – Buôn Đôn (Trung tâm) thuộc Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện đã triển khai chương trình thúc đẩy du lịch sinh thái và hợp tác phát triển du lịch cộng đồng tại buôn Trí (xã Krông Na). Trung tâm đã cùng bà con trồng cây trên con đường để tạo cảnh quan, xây dựng các tour du lịch cộng đồng để giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị cộng đồng của buôn người Lào duy nhất tại Tây Nguyên. Ngoài ra, Trung tâm cũng cam kết hỗ trợ phát triển ban nhạc Kẹng Tí của buôn về trang phục, nhạc cụ, tăng dịch vụ và tăng thu nhập cho đội văn nghệ. Anh Y Nô Ly Kbuôr, trưởng ban nhạc Kẹng Tí hồ hởi cho hay: “Khi biết những khó khăn mà ban nhạc đang gặp phải, Trung tâm du lịch Cầu Treo – Buôn Đôn đã tạo điều kiện sửa sân khấu, cung cấp dàn âm thanh mới, giúp ban nhạc nhận được nhiều chương trình biểu diễn hơn; nhờ đó mà mỗi thành viên đã phát huy được thế mạnh của mình, đồng thời thu nhập cũng được cải thiện, ai cũng phấn khởi. Không những vậy, Trung tâm còn hỗ trợ Kẹng Tí trong việc bảo tồn các loại nhạc cụ truyền thống của người Lào đang có nguy cơ bị mất dần đi”.
Ban nhạc Kẹng Tí biểu diễn phục vụ du khách tại Trung tâm du lịch Cầu Treo – Buôn Đôn.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đầu tư cho các sản phẩm du lịch mới, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy cộng đồng dân cư cùng phát triển. Ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện, quản lý Trung tâm du lịch Cầu Treo – Buôn Đôn cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tích cực vận động bà con trong buôn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì và phát triển trở lại nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làm rượu cần, gói bánh và các món ăn truyền thống, để tham gia cung cấp các dịch vụ hỗ trợ Trung tâm, tạo thêm thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Liên kết để phát triển
Nằm giữa lòng TP. Buôn Ma Thuột, mỗi năm buôn Akô Dhông đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực và khám phá văn hóa bản địa, nhất là vào những ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ.
Từ khi buôn Akô Dhông được quy hoạch trở thành buôn du lịch cộng đồng, nhiều gia đình trong buôn đã tận dụng nguồn lực vốn có của cộng đồng, gia đình, dòng họ và kết hợp với các các công ty du lịch để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc Êđê phục vụ nhu cầu của du khách.
Là người dân trong buôn, anh Y Wôn Knul bắt tay vào việc xây dựng thương hiệu, mang lợi ích cho cộng đồng từ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Anh Y Wôn cho hay, đến với buôn, du khách được trải nghiệm nấu các món ăn truyền thống như: cơm lam, gà nướng, cà đắng; cùng các nghệ nhân dệt thổ cẩm; xem biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, nghe hát kể sử thi… Mô hình làm du lịch này đã tạo việc làm cho nhiều bà con trong buôn. Riêng gia đình anh Y Wôn, hầu như các thành viên gia đình và họ hàng gần đó đều tham gia làm du lịch, thanh niên thì đưa du khách tới các điểm tham quan; các mẹ, các chị thì nấu nướng để phục vụ thực khách, các nghệ nhân thì đánh chiêng, múa xoang… Từ khi phát triển du lịch, cuộc sống của người dân được cải thiện đáng kể cả về tinh thần lẫn vật chất.
Gia đình anh Y Wôn Knul (bìa trái) tái hiện buổi sinh hoạt truyền thống.
Từ thực tế trên cho thấy, lợi ích của du lịch cộng đồng đã tác động rất lớn đến ý thức người dân. Cả cộng đồng cùng làm nhưng mỗi người đảm nhận nhiệm vụ khác nhau, ai cũng có việc làm, có thu nhập nên họ rất kiên trì và cố gắng; cũng từ đó, văn hóa truyền thống các dân tộc được bảo tồn và trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Mai Sao